(Chuẩn tiếp cận pháp luật đã góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Cà Mau)

Ðặc biệt, việc bổ sung cấp xã đạt chuẩn TCPL là tiêu chí thành phần của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của nhiệm vụ này. Tuy nhiên, qua hơn 04 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL trên địa bàn tỉnh còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Trước hết, theo quy định tại Điều 6 Quyết định 619/QÐ-TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (Quyết định 619/QÐ-TTg), để được công nhận đạt chuẩn TCPL, xã, phường, thị trấn phải đáp ứng đủ các điều kiện như: Không có tiêu chí nào dưới 50% số điểm tối đa; tổng số điểm của các tiêu chí TCPL phải đạt từ 90% điểm tối đa trở lên đối với xã loại I, từ 80% trở lên đối với xã loại II và từ 70% trở lên đối với xã loại III. Nhưng thực tế, xã loại II và III trên địa bàn tỉnh là những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, 100% kinh phí phụ thuộc vào ngân sách cấp trên cấp, vì vậy đối với một số xã để đạt được số điểm theo quy định là rất khó khăn. Những chỉ tiêu, tiêu chí khó chủ yếu ở các lĩnh vực bố trí nhân lực, tài chính, điều kiện cơ sở hạ tầng… Cụ thể như: Chỉ tiêu 3, Tiêu chí 4 hỗ trợ kinh phí cho tổ hòa giải và hòa giải viên; chỉ tiêu 2, Tiêu chí 2 quy định, bố trí địa điểm, công chức tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính theo quy định; bảo đảm diện tích làm việc của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; trang thiết bị của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

Mặt khác, thời điểm đánh giá TCPL tại Ðiều 7 Quyết định 619/QÐ-TTg, Ðiều 6 Thông tư 07/2017/TT-BTP chưa hợp lý, vì trên thực tế, việc đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới hàng năm thường diễn ra trước thời điểm đánh giá TCPL nên các cơ quan đơn vị, địa phương không lấy kết quả đánh giá TCPL để làm cơ sở đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ðiều này gây khó khăn cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình thực hiện. Thậm chí, có trường hợp một số xã phải thực hiện đánh giá xã đạt chuẩn TCPL trước thời điểm theo quy định để phục vụ việc công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Bên cạnh đó, yêu cầu về tài liệu kiểm chứng còn chung chung, quá trình thực hiện Quyết định số 619/QÐ-TTg phát sinh nhiều loại sổ như: Sổ theo dõi cung cấp thông tin, sổ theo dõi việc cập nhật thông tin pháp luật, sổ theo dõi kết quả giải quyết thủ tục hành chính, theo dõi tình hình niêm yết thủ tục hành chính và giải quyết các thủ tục hành chính… trong khi chưa có hướng dẫn cụ thể nội dung, cách thức sử dụng sổ để phản ánh nội dung cần đánh giá. Việc bố trí cán bộ, kinh phí cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng địa phương đạt chuẩn TCPL còn hạn chế, chủ yếu thực hiện lồng ghép với nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật và các nguồn khác nên hiệu quả đạt được chưa cao…

Việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ góp phần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức và nhận thức của người dân về các quy định của pháp luật, mà còn là căn cứ để địa phương được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Để công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL được hiệu quả hơn, đảo đảm thực chất, khách quan, đúng quy định pháp luật, ngày 22/7/2021 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 25/2021/QĐ-TTg thay thế Quyết định 619/QĐ-TTg và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022. Bà Phạm Thị Ngọc - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau cho biết thêm: “Hiện tại, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Quyết định 25/2021/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ tăng cường tuyên truyền; tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ; huy động các nguồn lực từ xã hội... nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan, ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các cấp trong hướng dẫn, thực hiện các tiêu chí về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hàng năm, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương”./.

Phú Toàn