Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Công an chủ trì phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống Sản xuất, cấp và quản lý căn scs công dân, bảo đảm dữ liệu chính xác, minh bạch, thống nhất, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, sẵn sàng tổng kết và vận hành chính thức cùng thời điểm Luật Cư trú có hiệu lực.

Bộ Công an phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, thiết lập Hệ thống định danh và xác thực điện tử trên cơ sở khai thác thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; phối hợp với Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, địa phương đề xuất các giải pháp cấp giấy tờ cư trú hoặc xác nhận cư trú đối với các trường hợp còn có khó khăn, vướng mắc liên quan đến các vấn đề về quốc tịch để thực hiện tốt công tác quản lý và bảo đảm quyền, lợi ích của người dân.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Tư pháp chủ trì đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cơ sở dữ liệu về hộ tịch, kết nối với từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; chủ trì phối hợp với Bộ Công an, các bộ, địa phương trong tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề về quốc tịch cho các trường hợp không có quốc tịch Việt Nam hoặc chưa xác định được quốc tịch Việt Nam, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ cũng có Thông báo số 163/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp khẩn trương xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử theo đúng quy định của Luật Hộ tịch, đảm bảo kết nối, liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trước đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 87/2020/NĐ-CP quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến. Theo đó, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử là cơ sở dữ liệu được lập trên cơ sở tin học hóa công tác đăng ký hộ tịch, nhằm lưu giữ thông tin hộ tịch của cá nhân được đăng ký theo quy định pháp luật, bằng thiết bị số, trong môi trường mạng, thông qua phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung.

Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được xây dựng tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được cập nhật kịp thời, đầy đủ, chính xác; duy trì hoạt động liên tục, ổn định, thông suốt, đáp ứng yêu cầu khai thác và sử dụng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật.

Cơ quan đăng ký hộ tịch khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để đăng ký hộ tịch theo thẩm quyền; cấp bản sao trích lục hộ tịch; cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; thống kê số liệu đăng ký hộ tịch và thực hiện các hoạt động quản lý Nhà nước khác trong lĩnh vực hộ tịch theo quy định pháp luật.

Cá nhân có yêu cầu khai thác thông tin hộ tịch của mình trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử thì gửi yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, xác nhận thông tin hộ tịch tới cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch có thẩm quyền.

Người có yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến truy cập Cổng Dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công cấp tỉnh để đăng ký tài khoản, xác thực người dùng theo hướng dẫn. Sau khi đăng nhập tài khoản thành công, người có yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến cung cấp thông tin theo biểu mẫu tương tác, đính kèm bản chụp, hoặc bản sao điện tử các giấy tờ, tài liệu theo quy định; nộp phí, lệ phí thông qua chức năng thanh toán trực tuyến, hoặc bằng cách thức khác theo quy định pháp luật.

Người có yêu cầu đăng ký hộ tịch được nhận kết quả đăng ký hộ tịch theo một trong các phương thức: Nhận bản điện tử giấy tờ hộ tịch gửi qua thư điện tử, kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân đó; nhận bản điện tử giấy tờ hộ tịch gửi vào thiết bị số, thông qua phương pháp truyền số liệu phù hợp, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin; nhận kết quả là giấy tờ hộ tịch thông qua hệ thống bưu chính; nhận kết quả là giấy tờ hộ tịch tại cơ quan đăng ký hộ tịch./.

Quỳnh Anh