Theo quy định tại khoản 1, Điều 2 Luật Tiếp công dân năm 2013, Tiếp công dân là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật. Tiếp công dân bao gồm Tiếp công dân thường xuyên, tiếp công dân định kỳ và tiếp công dân đột xuất, trách nhiệm tổ chức tiếp công dân của cơ quan, đơn vị thuộc về thủ trưởng cơ quan cơ quan quản lý nhà nước.

Về mục đích của công tác tiếp công dân

Như chúng ta biết tiếp công dân là một công tác quan trọng trong các hoạt động của Đảng, nhà nước và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở nước ta. Thông qua việc tiếp công dân, nhà nước và các cơ quan, tổ chức sẽ tiếp nhận được các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước để có các biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời. Theo đó, ttăng cường được mối quan hệ giữa nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Mặt khác, thông qua công tác tiếp công dân giúp cho Đảng và Nhà nước tiếp nhận được những thông tin phản hồi từ thực tế, những vấn đề nảy sinh từ cuộc sống … để từ đó đề ra được những chủ trương chính sách của Đảng đúng đắn, họp lòng dân.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác tiếp công dân, thời gian qua Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chi thị, các văn bản quy phạm pháp luật về tiếp công dân; các cơ quan, tổ chức đã triển khai thực hiện có hiệu quả về công tác này. Công tác tiếp công dân ngày càng được dư luận xã hội quan tâm, người dân tin tưởng khi có khó khăn, vướng mắt … những vụ việc làm ảnh hưởng đến quyền lợi của tổ chức, cá nhân  đều đã đến các cơ quan của Đảng, Nhà nước để tố cáo hoặc trình bày những vướng mắt, bất cập được cho là có tiêu cực để được các cơ quan nhà nước có ý kiến can thiệp, hướng dẫn và bảo vệ … Từ đó, cho thấy công tác tiếp công dân ngày càng được người dân tin tưởng nên đã thu được những kết quả nhất định, cụ thể, như: các cấp ủy Đảng, chính quyền, Đoàn thể đã nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, trách nhiệm tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo và coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị của mình, công tác tiếp công dân cũng đã có sự chuyển biến tích cực hơn so trước đây;  các sở, ngành của tỉnh, cấp huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn … đã chủ động xây dựng và Thông báo Lịch công tác tiếp dân định kỳ của ngành, đơn vị địa phương mình rộng rãi trên các phương tiện thông tin để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và mọi người dân biết đến khi có yêu cầu. Theo đó, cũng  có nhiều lãnh đạo của tỉnh, sở, ngành, huyện, thành phố … đã trực tiếp tiếp công dân theo quy định, tổ chức đối thoại, chỉ đạo giải quyết các vụ việc phức tạp ngay từ nơi phát sinh; chấn chỉnh những việc làm sai trái của cán bộ, cơ quan, tổ chức… hướng dẫn công dân thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước. Nhiều đơn vị các cấp ở địa phương có xây dựng trụ sở, bố trí phòng, địa điểm, nơi tiếp công dân, ban hành nội quy, quy chế tiếp công dân, bố trí công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân theo quy định, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác tiếp công dân đã dần đi vào nề nếp.

Như vậy, cho thấy việc tiếp công dân nhằm vào các mục đích như: Tiếp nhận các thông tin, kiến nghị, phản ánh góp ý những vấn đề liên quan đến chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước, công tác quản lý của cơ quan, đơn vị…. Đồng thời hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định pháp luật, đúng cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết.

Về ý nghĩa của công tác tiếp công dân

1. Tiếp công dân là một hoạt động mang yếu tố chính trị và pháp lý của nhà nước, là cơ sở tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện các quyền tự do, dân chủ là phương tiện để người dân đề đạt nguyện vọng hoặc khiếu nại, tố cáo chống lại các hành vi trái pháp luật nhằm bảo vệ lợi ích của nhà nước, tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình. Mặt khác, tiếp công dân thể hiện hình thức dân chủ trực tiếp, thể hiện sự gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng và nhà nước. Thực tiễn cho thấy, khi người dân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp, xem xét và giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo … thì người dân sẽ cảm thấy có niềm tin khi Đảng, Nhà nước đã lắng nghe ý kiến phản ánh của dân, lo lắng đến quyền lợi của dân và đương nhiên người dân sẽ có một thái độ, tư tưởng gần gũi, thân thiện với Đảng, Nhà nước. Ngược lại nếu công tác tiếp công dân có sự lơ là, thiếu quan tâm thì sẽ hình thành lên tâm lý bất mãn thiếu tin tưởng vào Đảng, nhà nước.

Do đó, việc tiếp công dân có ý nghĩa hết sức quan trọng, đòi hỏi  cơ quan, Đảng, Nhà nước cần  quan tâm hơn nữa đối với công tác tiếp công dân là tập trung giải quyết nhanh chóng các khiếu nại, tố cáo đúng theo quy định pháp luật, khôi phục kịp thời các quyền lợi ích hợp pháp của công dân, theo đó kịp thời xử lý nghiêm những sai phạm (nếu có) trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo để nhằm củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và nhà nước

2. Tiếp công dân còn là một kênh quan trọng, tiếp nhận thông tin từ nhân dân đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức qua đó kiểm tra, giám sát, đánh giá, phân tích cán bộ. Vì khi tiếp công dân, cơ quan nhà nước cũng tiếp nhận được những thông tin về hành vi của cán bộ, công chức, viên chức của mình. Qua đó,  nắm bắt được việc thực thi nhiệm vụ của công chức, viên chức để làm cơ sở nhận xét đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, cũng như phát hiện kịp thời và xử lý các hành vi vi phạm.

3. Tiếp công dân cũng là hình thức để nhân dân thực hiện quyền tự do dân chủ của mình, nhằm góp phần giải quyết các vấn đề xã hội. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc xây dựng, củng cố mối quan hệ chặt chẽ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước, bởi người nhận thấy ở đó sức mạnh to lớn, bảo đảm cho sự thành công của sự nghiệp cách mạng. Người nói “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi”.

Do vậy, thông qua công tác tiếp công dân cũng giúp cho Đảng, Nhà nước nhìn nhận, đánh giá lại hiệu quả của các chủ trương, chính sách của Đảng,  hiệu quả quán lý nhà nước, vì trên thực tế có những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ra đời là phù hợp lòng dân tại thời điểm nhất định, sau thời gian thực hiện thì những chủ trương, chính sách đó có sự thay đổi không còn phù hợp thực tiễn tình hình thì qua việc tiếp công dân cơ quan có thẩm quyền sẽ ghi nhận, phát hiện những bất cập, sơ hở đó … và sẽ có nghiên cứu đề đạt cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành mới cho phù hợp tình hình hiện tại.  

Trong tình hình hiện nay công tác tiếp công dân có vị trí, vai trò rất quan trọng. Để tiếp tục phát huy công tác này trong thời gian tới đạt hiệu quả tốt hơn, cần quan tâm một số vấn đề như sau:

1. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc có hiệu quả Luật tiếp công dân, Luật khiếu nại, Luật Tố cáo và các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về công tác tiếp công dân. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

2. Giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền theo đúng quy định pháp luật.  

3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát đối với cơ quan nhà nước các cấp trong việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư, KN,TC của công dân.

4. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền PBGDPL về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; vận hành và cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo.

5. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác tiếp công dân có đủ năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.

Thực hiện và làm tốt công tác tiếp công dân trong tình hình hiện nay là  khẩn trương giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo của công dân. Đặc biệt là các khiếu nại, tố cáo kéo dài qua nhiều năm tháng, làm tốt được công tác này Đảng, Nhà nước sẽ giải tỏa được những bức xúc của người dân và  có ý nghĩa, tác dụng to lớn cho việc giữ vững ổn định tình hình ANCT và TTATXH ở địa phương và thúc đẩy kinh tế phát triển đi lên./.

Chí Thành