Quang cảnh buổi tọa đàm

Ngày 22/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg). Sau hơn 3 năm thực hiện, việc tổ chức đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã được các địa phương triển khai đồng bộ, dần đi vào nề nếp. Kết quả đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn trên cả nước đạt tỷ lệ cao. Năm 2022 có 10.073/10.743 đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt 93,8%. Năm 2023, có 10.188/10.671 đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỷ lệ 94,7%. Năm 2024, có 9.506/9.807, đạt tỷ lệ 96,9%.


 

Bà Tô Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) trình bày báo cáo dẫn đề tại buổi tọa đàm

Tuy nhiên, trong quá trình hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra và tiến hành rà soát, đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý nhận thấy một số quy định của Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg còn bất cập, hạn chế, không phù hợp với bối cảnh thực tiễn hiện nay như có sự trùng lắp về mục đích đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, nội dung của tiêu chí tiếp cận pháp luật và các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chính quyền cấp xã khác. Bên cạnh đó, thẩm quyền, trình tự, thủ tục đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật không còn phù hợp với mô hình chính quyền hai cấp; thời gian đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật chưa phù hợp. 

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu gợi ý, định hướng thảo luận

Phát biểu gợi ý, định hướng thảo luận, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Ngọc yêu cầu các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về việc tiếp tục duy trì hay không cần thiết thực hiện công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trường hợp đề xuất tiếp tục thực hiện công tác này thì cần sửa đổi bộ tiêu chí và cơ chế đánh giá, công nhận theo hướng nào để khắc phục sự trùng lắp giữa các bộ tiêu chí đánh giá chính quyền cấp cơ sở; bảo đảm tính toàn diện, khách quan, thực chất… 

Ông Võ Minh Thưởng, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bến Tre phát biểu tại buổi tọa đàm

Chia sẻ tình hình thực hiện công tác đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật tại địa phương, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bến Tre Võ Minh Thưởng cho biết: “Qua hơn 3 năm áp dụng vào thực tiễn, Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã góp phần cho chính quyền các cấp tại tỉnh Bến Tre thuận lợi hơn trong thực hiện các trách nhiệm pháp lý của mình tại địa phương. Tuy nhiên, công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật còn nhiều vướng mắc, bất cập. Trong đó, việc quy định nhiều tiêu chí, chỉ tiêu, tiêu chuẩn về đánh giá chính quyền cấp xã gây lúng túng cho nhiều địa phương trong quá trình triển khai thực hiện; thời điểm tổ chức đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và các mốc thời gian đánh giá chính quyền cấp xã chưa thống nhất, đồng bộ. Do đó, đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành liên quan thống nhất quy định về các mốc thời gian, thời điểm đánh giá hoặc có quy định dẫn chiếu để tránh cùng một nội dung nhưng lại tổ chức đánh giá nhiều lần, gây khó khăn cho chính quyền cấp xã”.  


Nhiều khó khăn, bất cập trong thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg được Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau Phạm Thị Ngọc trình bày tại buổi tọa đàm

Làm rõ thêm những khó khăn, bất cập đã và đang bộc lộ trong triển khai thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau Phạm Thị Ngọc nhấn mạnh: “Nhiều tiêu chí, chỉ tiêu của Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg trùng lắp với các tiêu chí đánh giá hiệu quả của của cấp xã; một số tiêu chí còn định tính, nên đánh giá còn hình thức; thời điểm đánh giá tiếp cận pháp luật được thực hiện vào năm vào đầu năm liền kề sau năm đánh giá nên không thể sử dụng kết quả đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật để làm căn cứ đánh giá, xét thi đua đối với chính quyền cấp xã, cũng như chưa có sự ràng buộc trách nhiệm để thúc đẩy cán bộ, công chức quan tâm thực hiện nhiệm vụ này. Công tác phối hợp giữa các công chức cấp xã được giao nhiệm vụ theo dõi, đánh giá, chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật còn hạn chế, còn tình trạng xem đây là nhiệm vụ của Công chức Tư pháp - Hộ tịch. Chưa có biện pháp xử lý đối với những đơn vị thực hiện không nghiêm túc các quy định về đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật”.

Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Ngọc đã đánh giá cao những ý kiến bám sát vào nội dung của tọa đàm, đóng góp trách nhiệm, thẳng thắn, phản ánh được hơi thở thực tiễn. Trước nhiều ý kiến đề nghị cần nghiên cứu xây dựng Quyết định mới thay thế Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg theo hướng xác định tiêu chí đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân; đồng thời xây dựng cơ chế đánh giá để bảo đảm tính toàn diện, khách quan, thực chất, phù hợp với Hiến pháp và các văn bản pháp luật mới ban hành và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Ngọc cho biết: “Thời gian tới, Bộ Tư pháp tiếp tục chủ động tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện về thể chế theo tinh thần các Nghị quyết của trung ương vừa mới ban hành, trong đó ngoài yếu tố đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật còn phải rà soát những quy định của pháp luật đã ban hành trong thời gian qua. Nếu không còn phù hợp, không khả thi trên thực tiễn thì kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”./. 

Phú Toàn