Quang cảnh buổi tọa đàm
Theo số liệu do Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý cung cấp tại buổi tọa đàm, sau hơn 10 năm triển khai thi hành, Luật Hoà giải ở cơ sở năm 2013 đã phát huy nhiều hiệu quả tích cực như: Tổ chức hòa giải và đội ngũ hòa giải viên được củng cố, tăng cường đảm bảo hoạt động; mạng lưới hòa giải viên và Tổ hòa giải được xây dựng rộng khắp các ấp, khóm, địa bàn dân cư. Tính hết năm 2024, cả nước có 87.396 tổ hòa giải được thành lập tại thôn, tổ dân phố với 549.446 hòa giải viên, tỷ lệ hòa giải thành đạt 85,95%. Đến nay, hầu hết mỗi thôn, tổ dân phố có 01 tổ hòa giải. Số lượng thành viên của mỗi tổ hòa giải trung bình từ 05 - 07 hòa giải viên/tổ. Kết quả hoạt động, từ tháng 01/2014 đến tháng 12/2023, cả nước tiếp nhận 1.364.806 vụ, việc hòa giải (trung bình 136.481 vụ, việc/năm), trong đó, hòa giải thành 1.096.572/1.350.533 vụ, việc đã tiến hành hòa giải (trung bình 109.657 vụ, việc/năm), đạt tỷ lệ 81,2%, riêng năm 2023, tỷ lệ hòa giải thành đạt 85,13%.
Đại biểu tham dự buổi tọa đàm
Bên cạnh những kết quả đạt được, tham gia phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu đã chỉ ra những bất cập, hạn chế của Luật Hoà giải ở cơ sở:
Quy định về phạm vi hòa giải ở cơ sở (tại Điều 3) chưa bao quát hết nhu cầu thực tiễn; đồng thời quy định về phạm vi hòa giải vẫn còn chung chung, chưa đủ rõ ràng, dẫn đến sự lúng túng trong thực tiên áp dụng. Các khái niệm như “mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích công cộng”, hay “mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở theo quy định pháp luật” là chưa cụ thể, gây khó khăn trong việc xác định trường hợp nào thuộc phạm vi hòa giải được, trường hợp nào thì không. Chưa có quy định về miễn nhiệm đối với hòa giải viên nếu vi phạm đạo đức, không còn đáp ứng tiêu chuẩn hoặc không tham gia hoạt động trong thời gian bao lâu sẽ xem xét, đánh giá miễn nhiệm dẫn đến khó khăn trong thực hiện.
Chưa có quy định ràng buộc trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện các cam kết, thỏa thuận sau khi hòa giải thành. Do hoạt động hòa giải ở cơ sở mang tính tự nguyện, các quy định mang tính khuyến khích thực hiện, nên vẫn còn trường hợp các bên không thực hiện đầy đủ các cam kết sau khi hòa giải thành, dẫn đến kết quả hòa giải chưa đạt hiệu quả cao. Mặc dù, pháp luật có quy định về việc công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án, nhưng rất ít khi người dân yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở.
Bà Phạm Thị Ngọc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau (bên trái, hàng trên) tham dự buổi tọa đàm
Theo tham luận của Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau gửi về ban tổ chức tọa đàm: “Luật Hoà giải ở cơ sở cũng chưa quy định rõ ràng về trình tự, thủ tục hòa giải, các bước tiến hành hòa giải cũng như thời gian thực hiện một vụ việc hòa giải cụ thể. Hiện nay, các quy định chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc khẳng định nguyên tắc, hình thức và kết quả hòa giải, trong khi quy trình triển khai trên thực tế lại phụ thuộc hoàn toàn vào sự chủ động, kinh nghiệm của hòa giải viên và hướng dẫn mang tính nội bộ. Chưa có quy định, hướng dẫn về thời gian, các bước thực hiện hòa giải, dẫn đến chưa có sự thống nhất trong cách tổ chức của các Tổ hòa giải; không xác định rõ thời hạn thực hiện hòa giải, dẫn đến sự tùy tiện trong thực hiện, làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng giải quyết vụ việc. Trong những vụ việc phức tạp, hòa giải viên không có căn cứ pháp lý để thuyết phục các bên cùng hợp tác hoặc giải thích về thời gian xử lý; chưa quy định rõ trách nhiệm thông báo, ghi chép biên bản theo từng giai đoạn, gây khó khăn cho việc kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả hòa giải”.
Trước đòi hỏi và nhu cầu thực tiễn, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý chủ động tham mưu nghiên cứu một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Luật Hoà giải ở cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Các nội dung cụ thể gồm: phạm vi điều chỉnh; phạm vi Hoà giải ở cơ sở; chính sách của Nhà nước về Hoà giải ở cơ sở và kinh phí cho công tác Hoà giải ở cơ sở; tiêu chuẩn, thủ tục bầu, công nhận hoà giải viên; quy định có liên quan đến tổ hoà giải; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác Hoà giải ở cơ sở.
Ông Phạm Văn Phong, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp trình bày tham luận
Trong phần đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Hoà giải ở cơ sở, nhiều đại biểu thống nhất đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu tham mưu bổ sung quy định để nâng cao tính pháp lý của kết quả hòa giải thành; Hoàn thiện tiêu chuẩn hòa giải viên: Sửa đổi Điều 7 Luật Hòa giải ở cơ sở theo hướng: Cụ thể hóa các tiêu chí “có uy tín”, “có hiểu biết pháp luật” bằng tiêu chuẩn định lượng: trình độ học vấn, am hiểu phong tục, tập quán địa phương, chứng nhận bồi dưỡng kỹ năng hòa giải, kinh nghiệm thực tế... Có phẩm chất đạo đức và không vi phạm pháp luật. Bổ sung quy định về miễn nhiệm đối với hòa giải viên vi phạm đạo đức hoặc không tham gia hoạt động trong thời gian dài; Xem xét bổ sung quy định pháp luật về thời gian cụ thể hoặc nhiệm kỳ của Hòa giải viên (05 năm hoặc theo nhiệm kỳ bầu trưởng ban nhân dân ấp, khóm); Bổ sung cơ chế huy động lực lượng có chuyên môn pháp lý tham gia hòa giải ở cơ sở: Cần bổ sung quy định khuyến khích luật sư, luật gia, người có trình độ chuyên môn về pháp luật được trực tiếp tham gia tổ hòa giải;…
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Ngọc phát biểu gợi ý, định hướng thảo luận
Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đánh giá: “Hoà giải ở cơ sở là một phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án ngày càng được coi trọng và ưu tiên áp dụng. Đặc biệt, Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới đã xác định: Kết hợp các phương thức phi tố tụng tư pháp với các phương thức tố tụng tư pháp; có giải pháp khuyến khích, phát triển các thiết chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án…; Khẩn trương sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật đáp ứng yêu cầu thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính, gắn với phân cấp, phân quyền tối đa”.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp, các nội dung tham luận và ý kiến đóng góp của đại biểu tại buổi tọa đàm đã phản ánh đúng, trúng những bất cập, hạn chế của Luật Hòa giải ở cơ sở sau hơn 10 năm triển khai thi hành. Những ý kiến này được Bộ Tư pháp ghi nhận, nghiên cứu làm cơ sở để xem xét điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Luật Hoà giải ở cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới./.
Phú Toàn