Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 02/2023 có: 17,427 triệu người tham gia BHXH (trong đó: BHXH bắt buộc là 15,968 triệu người; BHXH tự nguyện là 1,459 triệu người) tăng 1,068 triệu người so cùng kỳ; 14,26 triệu người tham gia BHTN, tăng 855 nghìn người so cùng kỳ; 90,474 triệu người tham gia BHYT, tăng 5,654 triệu người so cùng kỳ. Tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN đạt 57.805 tỷ đồng; tăng 3.059 tỷ đồng so cùng kỳ; số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN giảm 1.134 tỷ đồng so cùng kỳ; 1,506 triệu người được giải quyết hưởng mới BHXH (tăng 19.957 người so cùng kỳ), số tiền 41.050 tỷ đồng; 107 nghìn người được giải quyết hưởng mới BHTN (giảm 15.760 người so cùng kỳ), số tiền 2.757 tỷ đồng; chi BHYT 14.785 tỷ đồng cho 23,002 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT.

Để phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra trong quý I năm 2023, ngoài những công việc thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ được giao, BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị có liên quan, BHXH các tỉnh, thành phố tập trung thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 3/2023 như sau:

Thứ nhất, bám sát chủ trương, đường lối, định hướng, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chủ động xây dựng, triển khai các giải pháp, kịch bản điều hành tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Thứ hai, chủ động nắm bắt, đánh giá những vướng mắc trong thực tiễn tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật phù hợp.

Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành; cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT.

Thứ tư, đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông để người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách BHXH, BHYT.

Thứ năm, triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm nợ; giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về BHXH, BHTN, BHYT; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.

Thứ sáu, khai thác, phát huy tối đa hiệu quả công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu của Ngành để kiểm tra, phòng ngừa gian lận, trục lợi quỹ; thực hiện đồng bộ các biện pháp để quản lý quỹ an toàn, tăng trưởng bền vững, hiệu quả.

Thứ bảy, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; mở rộng các hình thức cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, hình thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính; đẩy mạnh chi trả qua các tổ chức dịch vụ công, chi trả không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ.

Thứ tám, đẩy nhanh chuyển đổi số; hoàn thiện hệ thống dữ liệu chuyên ngành về BHXH, BHYT; cơ sở dữ liệu Quốc gia về bảo hiểm; kết nối chia sẻ với các bộ, ngành; hoàn thiện bổ sung các tiện ích cho ứng dụng VssID; xây dựng hệ thống xử lý dữ liệu lớn (Big Data); áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong các hoạt động của Ngành ...

Thứ chín, tiếp tục kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ; duy trì, mở rộng hoạt động hợp tác song phương và đa phương, huy động tối đa nguồn lực, kinh nghiệm quốc tế phục vụ cho sự phát triển của Ngành.

Thứ mười, thực hiện kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19; chủ động đề xuất và triển khai nghiêm túc, kịp thời các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động.

Mười một, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tài chính; phát huy vai trò người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu; phân công, phân nhiệm đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả đi đôi với kiểm tra, giám sát; khen thưởng kịp thời; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm./.

An Long