Có 06 nội dung chính được các địa phương kiến nghị liên quan đến đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và đô thị văn minh trong xét, công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, cụ thể như sau:

1. Nội dung kiến nghị thứ nhất

Đối với trường hợp đánh giá xã nông thôn mới được tổ chức trước ngày 31/12 (thời điểm này chưa có kết quả đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của năm đánh giá) nhưng việc thẩm định, xét, công nhận xã nông thôn mới được tổ chức vào đầu năm sau (thời điểm này đã có kết quả đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của năm đánh giá). Trường hợp này được xác định là tổ chức đồng thời theo quy định tại điểm a hay tổ chức trước thời điểm đánh giá tiêu chí xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 2 Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg.

Trả lời: Trường hợp nêu trên được xác định là tổ chức đồng thời theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 2 Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 (sau đây gọi tắt là Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg).

2. Nội dung kiến nghị thứ hai

Đối với trường hợp tổ chức xét, công nhận xã nông thôn mới vào cuối năm (ví dụ vào tháng 11, tháng 12) nghĩa là trước thời điểm tổ chức đánh giá tiêu chí xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trường hợp này được sử dụng kết quả đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của năm trước liền kề để xét, công nhận xã nông thôn mới. Tuy nhiên, nếu năm trước liền kề xã không đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và muốn sử dụng kết quả đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của năm đánh giá thì phải chờ đến đầu năm sau (chậm nhất là ngày 10/02 của năm sau liền kề năm đánh giá), điều này sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch đánh giá nông thôn mới của địa phương cũng như trách nhiệm của cơ quan Tư pháp địa phương. Theo đó xác định xã không đạt nông thôn mới hay được chờ lấy kết quả đánh giá tiêu chí xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của năm đánh giá.

Trả lời: Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Quyết định số 18/2022/QĐTTg, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới khi đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Như vậy, trường hợp nêu trên được xác định là phải chờ lấy kết quả đánh giá tiêu chí xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của năm đánh giá, để đảm bảo theo đúng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg.

3. Nội dung kiến nghị thứ ba

Đối với trường hợp tổ chức xét, công nhận xã nông thôn mới trước thời điểm tổ chức đánh giá tiêu chí xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thì địa phương được sử dụng kết quả đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của năm trước liền kề. Nếu xã đã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật vào năm trước liền kề nhưng đến thời điểm tổ chức xét, công nhận xã nông thôn mới đã phát sinh trường hợp cán bộ, công chức là người đứng đầu bị kỷ luật do có hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ thì dẫn đến việc công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phục vụ đánh giá xã nông thôn mới mang tính hình thức, chưa phát huy ý nghĩa và giá trị của chuẩn tiếp cận pháp luật.

Trả lời: Nếu xã đã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật vào năm trước liền kề, nhưng đến thời điểm tổ chức xét, công nhận xã nông thôn mới, mà phát sinh trường hợp cán bộ, công chức là người đứng đầu bị kỷ luật do có hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ, thì cần phải dừng việc tổ chức xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, do không đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 (trong đó đã yêu cầu: “Đảng bộ, chính quyền xã được xếp loại chất lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên”; “Tổ chức chính trị - xã hội của xã được xếp loại chất lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên”).

4. Nội dung kiến nghị thứ tư

Điều 21 Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg quy định việc xét, thu hồi Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao được thực hiện sau khi đủ 24 tháng (đối với địa phương được công nhận trước giai đoạn 2021 - 2025), đủ 30 tháng (đối với địa phương được công nhận giai đoạn 2021 - 2025) kể từ ngày Quy định này có hiệu lực (ngày 02/8/2022). Trong khi việc đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện hàng năm. Do đó cần hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất về việc sử dụng số liệu của năm xét thu hồi hay số liệu của cả thời gian từ thời điểm công nhận đến thời điểm xét thu hồi.

Trả lời: Theo quy định tại Điều 21, khoản 1 Điều 24, khoản 1 Điều 27, khoản 1 Điều 30 Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg, số liệu về kết quả đánh giá mức độ không đạt chuẩn nông thôn mới, không đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, không đạt chuẩn nông thôn mới kiểu, không hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới để tổ chức thực hiện xét, thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, được xác định là số liệu của năm xét, thu hồi.

5. Nội dung kiến nghị thứ năm:

Ưu tiên nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cho việc triển khai các giải pháp thúc đẩy thực hiện các tiêu chí tiếp cận thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở góp phần phục vụ mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Trả lời: Trên cơ sở dự kiến kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương giao hằng năm; căn cứ các quy định tại Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg ngày 25/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trung ương có liên quan xây dựng phương án phân bổ kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương cho các bộ, ngành trung ương và địa phương để thực hiện các nội dung thành phần của Chương trình (đã được phê duyệt tại Quyết định số 263/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025), bao gồm cả kinh phí hỗ trợ thực hiện Nội dung 04 (Tăng cường hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, giải quyết hòa giải, mâu thuẫn ở khu vực nông thôn), Nội dung 05 (Nâng cao nhận thức, thông tin về trợ giúp pháp lý; tăng cường khả năng thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý).

Do đó, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 6 Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước (vốn ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp để thực hiện chương trình, vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia còn lại và từ các chương trình, dự án khác, vốn ngân sách địa phương) và các nguồn vốn hợp pháp khác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm, chỉ đạo cơ quan Tư pháp cấp tỉnh chủ động phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp tỉnh và các sở, ngành chức năng có liên quan tham mưu, đề xuất phương án ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện các tiêu chí tiếp cận thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, góp phần phục vụ mục tiêu xây dựng nông thôn mới đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế và các quy định của pháp luật.

6. Nội dung kiến nghị thứ 6

Đánh giá đạt chuẩn đô thị văn minh trong xét, đề nghị công nhận cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Trả lời: Đề nghị các địa phương có liên quan áp dụng thực hiện theo Công văn số 2283/BNN-VPĐP ngày 12/4/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn các tiêu chí phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh trong xét, đề nghị công nhận cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới./.

Phú Toàn