(Ảnh Minh họa, Nguồn wwwbaochinhphu.vn)

Theo đó, quy định tiêu chuẩn thư viện Đại đọc như sau:

1. Về tài nguyên thông tin

-  Có đủ tài nguyên thông tin phù hợp với mỗi chuyên ngành đào tạo của cơ sở giáo dục đại học, gồm: Giáo trình, tài liệu tham khảo và tài liệu nội sinh.

- Số lượng tài nguyên thông tin: Số tên giáo trình: Có đầy đủ giáo trình theo yêu cầu của chương trình đào tạo dùng cho giảng viên, người học trong giảng dạy và học tập, nghiên cứu khoa học; Số bản sách cho mỗi tên giáo trình: Có ít nhất 50 bản sách/1.000 người học; Số bản sách cho mỗi tên tài liệu tham khảo: Có ít nhất 20 bản sách/1.000 người học; Tài nguyên thông tin số: Giáo trình, tài liệu tham khảo bảo đảm các quy định về sở hữu trí tuệ, được số hóa theo thỏa thuận của cơ sở giáo dục đại học với tác giả. Với các giáo trình, tài liệu tham khảo đã được số hóa thì số bản sách bảo đảm tối thiểu 50% định mức quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 4 Thông tư này; Tài liệu nội sinh được số hóa 100%; Có bản quyền truy cập cơ sở dữ liệu trong nước và quốc tế về sách, tạp chí khoa học phù hợp với trình độ và quy mô đào tạo của ngành đào tạo.

- Các yêu cầu đối với tài nguyên thông tin: Tài nguyên thông tin dạng xuất bản phẩm được xử lý, tổ chức, bảo quản và kiểm kê, thanh lọc theo quy định, quy trình nghiệp vụ thư viện; Tài nguyên thông tin số được xử lý, tổ chức, lưu giữ, bảo quản và kiểm kê, thanh lọc theo quy định, quy trình nghiệp vụ thư viện và tiêu chuẩn kỹ thuật về công nghệ thông tin.

2. Về cơ sở vật chất

- Thư viện đại học được bố trí ở vị trí thuận tiện, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng, đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận và sử dụng.

- Diện tích thư viện đại học: Tổng diện tích thư viện đại học được xác định theo quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, gồm diện tích khu chức năng và khu phụ trợ; Khu chức năng gồm các khu vực: Không gian đọc (các phòng đọc và không gian mở); lưu trữ tài nguyên thông tin; tra cứu, mượn trả và quầy thông tin; trưng bày, giới thiệu tài nguyên thông tin; phòng diễn giảng; dịch vụ; hành chính, nghiệp vụ; Khu phụ trợ gồm các khu vực: Sảnh; hành lang; cầu thang; khu vệ sinh và các phòng kỹ thuật.

- Không gian đọc: Số chỗ ngồi trong các phòng đọc được tính tối thiểu cho 5% tổng số người học và bảo đảm định mức 2,4 m2/01 chỗ (không bao gồm không gian mở). Tổng diện tích các phòng đọc không nhỏ hơn 200 m2. Tùy theo lĩnh vực đào tạo, hình thức đào tạo của từng cơ sở giáo dục đại học để xác định loại hình, số lượng phòng đọc và số chỗ ngồi hợp lý trong từng phòng: Phòng đọc chung là phòng đọc dùng chung dành cho người sử dụng thư viện học tập, nghiên cứu; Phòng đọc chuyên ngành dành cho người sử dụng thư viện học tập, nghiên cứu chuyên sâu theo lĩnh vực; Phòng học nhóm dành cho người sử dụng thư viện trao đổi, thảo luận theo nhóm; Phòng đa phương tiện được trang bị các thiết bị chuyên dùng để khai thác, sử dụng tài nguyên thông tin số có định dạng nội dung khác nhau như văn bản điện tử, audio, hình ảnh, hoạt hình, video. Không gian mở được tổ chức linh hoạt trong khuôn viên của thư viện đại học và cơ sở giáo dục đại học; được trang bị các thiết bị chuyên dùng tạo sự tiện nghi, linh hoạt trong khai thác, sử dụng tài nguyên thông tin.

- Lưu trữ tài nguyên thông tin: Tài nguyên thông tin được tổ chức, sắp xếp thành khu riêng biệt hoặc kết hợp trong các phòng đọc, không gian mở bảo đảm việc quản lý, bảo quản và lưu trữ phù hợp với đặc thù của từng loại tài nguyên thông tin, gồm: Tài nguyên thông tin dạng xuất bản phẩm được lưu trữ theo hình thức kho mở và kho đóng; tài nguyên thông tin số được lưu trữ trên hệ thống máy chủ và các loại hình, thiết bị lưu trữ dữ liệu khác; Khu vực lưu trữ tài nguyên thông tin dạng xuất bản phẩm bảo đảm diện tích kho đóng 2,5 m2/1.000 bản sách; kho mở 4,5 m2/1.000 bản sách; Khu vực lưu trữ tài nguyên thông tin số bảo đảm diện tích để tổ chức hệ thống máy chủ và các loại hình, thiết bị lưu trữ dữ liệu khác.

- Tra cứu, mượn trả và quầy thông tin: Khu vực tra cứu được tổ chức riêng biệt hoặc kết hợp trong các phòng đọc; Khu vực mượn trả được bố trí ở vị trí thuận lợi cho hoạt động mượn trả tài nguyên thông tin; Quầy thông tin được bố trí ở vị trí dễ nhận biết, thuận lợi cho hoạt động hỏi đáp thư viện.

- Khu trưng bày, giới thiệu tài nguyên thông tin được tổ chức phòng riêng biệt hoặc kết hợp tại sảnh, hành lang, phòng đọc của thư viện đại học.

- Phòng diễn giảng được bố trí phòng riêng biệt hoặc kết hợp với phòng học, giảng đường hoặc hội trường của cơ sở giáo dục đại học.

- Tùy điều kiện của từng thư viện đại học để tổ chức khu dịch vụ bảo đảm thuận lợi, an toàn, vệ sinh môi trường, phù hợp với hoạt động sử dụng và quản lý thư viện theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 7 của văn bản này, gồm: Khu dịch vụ ăn uống, giải trí; Khu dịch vụ in ấn, sao, chụp tài liệu; Khu dịch vụ khác.

-  Khu hành chính, nghiệp vụ bảo đảm đủ diện tích để người làm công tác thư viện làm việc và tổ chức các hoạt động nghiệp vụ thư viện.

-  Các yêu cầu kỹ thuật: Nền và sàn của thư viện đại học phải phù hợp với các tiêu chuẩn xây dựng hiện hành, trong đó nền và sàn của phòng đọc sử dụng thảm hoặc các vật liệu lát sàn khác, dễ làm vệ sinh, không có kẽ hở, chống được ẩm mốc; Hệ thống cửa ra vào, cửa sổ của thư viện đại học phải phù hợp với các tiêu chuẩn xây dựng hiện hành; bảo đảm yêu cầu chiếu sáng tự nhiên, thông gió thoáng khí cho phòng; bảo đảm thuận tiện, an toàn trong sử dụng, dễ vệ sinh, làm sạch; Hệ thống chiếu sáng của thư viện đại học gồm chiếu sáng tự nhiên, chiếu sáng nhân tạo và chiếu sáng hỗn hợp. Hệ thống chiếu sáng phải tuân theo các tiêu chuẩn về chiếu sáng hiện hành; Hệ thống thông gió của thư viện đại học được tổ chức thông gió tự nhiên và nhân tạo bảo đảm môi trường không khí trong sạch. Hệ thống điều hòa không khí bảo đảm điều kiện nhiệt độ, độ ẩm thích hợp với từng loại hình tài nguyên thông tin; Hệ thống phòng cháy và chữa cháy của thư viện đại học bảo đảm các yêu cầu về an toàn cháy cho nhà và công trình theo quy định.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2023./.

Thùy Loan