1. Về phạm vi theo dõi tình hình thi hành pháp luật

Để tránh tình trạng theo dõi chung chung, dàn trải, Bộ Tư pháp đề nghị các cơ quan, địa phương xác định cụ thể phạm vi theo dõi tình hình thi hành pháp luật như sau:

- Lĩnh vực pháp luật về lao động: Theo dõi tình hình thi hành Bộ luật lao động năm 2019;

- Lĩnh vực pháp luật về việc làm: Theo dõi tình hình thi hành Luật việc làm năm 2013;

- Lĩnh vực pháp luật về quản lý, điều hành giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu: Do việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật về quản lý, điều hành giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu có phạm vi rộng, phức tạp nên Bộ Tư pháp đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung nguồn lực theo dõi trọng tâm các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất, đời sống quy định tại Điều 15 của Luật Giá năm 2012, bao gồm: xăng, dầu thành phẩm; điện; khí dầu mỏ hóa lỏng; phân đạm; phân NPK; thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật; vac-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; muối ăn; sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi; đường ăn, bao gồm đường trắng và đường tinh luyện; thóc, gạo tẻ thường; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

2. Về việc thực hiện các hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật

Để việc thực hiện các hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật bảo đảm tính kịp thời, đạt hiệu quả, Bộ Tư pháp đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo các cơ quan, địa phương thuộc phạm vi quản lý tổ chức thực hiện các hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật sau đây:

- Xây dựng, ban hành Danh mục các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2023 và đánh giá tính kịp thời, đầy đủ, tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của chính quyền địa phương.

- Tổ chức thực hiện các hoạt động thu thập, tiếp nhận thông tin, kiểm tra, điều tra, khảo sát về tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2023 tại các cơ quan, địa phương thuộc phạm vi quản lý để kịp thời phát hiện các khó khăn, vướng mắc trong thi hành pháp luật và hạn chế, bất cập của văn bản pháp luật. Qua đó, kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền các biện pháp xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

- Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành tại các bộ, ngành, địa phương theo kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ. Thông tin, số liệu báo cáo để phục vụ hoạt động kiểm tra, điều tra, khảo sát tính từ thời điểm văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất điều chỉnh các lĩnh vực trọng tâm, liên ngành có hiệu lực thi hành và được tổng hợp vào trong báo cáo công tác theo dõi tinh hình thi hành pháp luật định kỳ hằng năm gửi cấp có thẩm quyền.

Duy Linh