(Ảnh minh họa, nguồn vtv.vn)

Mục đích và yêu cầu của Kế hoạch là: (1) Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị định số 83/2017/NĐ-CP đến các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức và Nhân nhân trên địa bàn tỉnh; nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong công tác cứu nạn, cứu hộ. (2) Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về cứu nạn, cứu hộ, trong đó cần cụ thể hóa các nội dung, yêu cầu, nhiệm vụ được quy định trong Nghị định số 83/2017/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan; thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa và triển khai công tác cứu nạn, cứu hộ của các lực lượng chức năng; kịp thời phát hiện, loại trừ các nguyên nhân, điều kiện dẫn đến sự cố, tai nạn. (3) Lực lượng phòng cháy và chữa cháy phát huy vai trò nòng cốt trong công tác cứu nạn, cứu hộ; nắm chắc các quy định của pháp luật có liên quan đến công tác cứu nạn, cứu hộ; thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý thông tin và triển khai thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ đảm bảo thống nhất, đồng bộ, hiệu quả.

Theo Kế hoạch, Chủ tịch UBND tỉnh giao Công an tỉnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về cứu nạn, cứu hộ theo quy định; tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin về các vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn, đảm bảo lực lượng thường trực 24/24 giờ và triển khai hiệu quả công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; tổ chức tập huấn, huấn luyện công tác cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đồng thời xây dựng và diễn tập các phương án cứu nạn, cứu hộ; định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP và thực hiện chế độ thông tin báo cáo theo quy định; Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác phòng ngừa sự cố, tai nạn, các giải pháp, biện pháp thoát nạn kết hợp với hoạt động kiểm tra, hướng dẫn an toàn phòng cháy chữa cháy đối với các cơ sở, khu vực, địa điểm có nguy cơ xảy ra sụ cố, tai nạn, khu vực tập trung đông dân cư, trung tâm thương mại, siêu thị, khu công nghiệp, bệnh viện...

Ngoài ra, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến công tác cứu nạn, cứu hộ; định kỳ tổ chức huấn luyện, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về công tác cứu nạn, cứu hộ theo chức năng; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng cứu nạn, cứu hộ; khảo sát, thống kê các phương tiện, thiết bị phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn tỉnh và có phương án huy động lực lượng, phương tiện tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ khi cần thiết; dự trù kinh phí mua sắm phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, chế độ, chính sách cho các lực lượng làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ; Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn trong phòng ngừa sự cố, tai nạn theo quy định của pháp luật; tập trung làm rõ nguyên nhân các vụ sự cố, tai nạn để có giải pháp phòng ngừa và khuyến cáo người dân phòng tránh.

Đồng thời, phân công Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí và hệ thống đài truyền thanh cơ sở tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, đa dạng nhằm triển khai, thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP đạt hiệu quả.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu thực hiện các nội dung có liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý theo quy định. Riêng Ủy ban mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội phối hợp tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Chủ động phát hiện, kiến nghị, đề xuất các giải pháp nâng cao công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh./.

Bài: Kim Kha