(Quang cảnh Hội nghị)

Phát biểu khai mạc, đồng chí Võ Thanh Tòng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp – Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh nêu rõ: Ngày 30/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027” theo đó Chủ Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 89/KH-UBND ngày 26/4/2022 để triển triển khai, thực hiện Đề án.

Đề án đã xác định rõ 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và quy định cụ thể trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, Ủy ban nhân dân huyện và cơ quan, tổ chức trong thực hiện Đề án, đặc biệt mục tiêu cụ thể Đề án hướng đến là “từ năm 2023 100% chính sách có tác động lớn đến xã hội được cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật tổ chức truyền thông từ khi lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đến khi thông qua, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Truyền thông chính sách, phải làm truyền thông cả: trước, trong và sau ban hành chính sách; tạo cơ chế, điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý phản biện chính sách. Sau gần 01 năm triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh, các sở, ngành, địa phương, các cơ quan báo chí đã quan tâm, thực hiện lồng ghép công tác truyền thông dự thảo chính sách vào quá trình lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tạo thuận lợi cho việc tổ chức thi hành pháp luật sau khi được ban hành. Tuy nhiên, đây là Đề án mới, triển khai, thực hiện bước đầu còn có sự lúng túng, nhất là việc xác định nội dung dự thảo chính sách cần truyền thông; kỹ năng xây dựng tài liệu để truyền thông; kỹ năng thực hiện truyền thông và xử lý những thông tin khi thực hiện truyền thông dự thảo chính sách…

(Đại biểu tham dự Hội nghị)

Bên cạnh việc thực hiện truyền thông dự thảo chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước, báo chí chính thống vẫn là kênh chủ lực trong việc hỗ trợ tuyên truyền chủ trương chính sách nhanh chóng đến với Người dân; nhằm tạo sự đồng thuận của xã hội đối với các chính sách pháp luật được ban hành.

Thực tế cho thấy, để làm tốt công tác truyền thông chính sách thì không chỉ có quyết tâm, mà phải có phương pháp, cách làm khoa học và phù hợp với tình hình, điều kiện, bối cảnh từng cơ quan, đơn vị, phù hợp với nội dung thực hiện. phải có sự sáng tạo, đổi mới nội dung và hình thức truyền thông chính sách, để truyền tải thông tin đơn giản, dễ hiểu, dễ nghe, dễ nghe, dễ thực hiện, dễ đi vào lòng dân, từ đó người dân tự giác thực hiện.

(Tiến sĩ Phạm Quốc Sử triển khai chuyên đề những yêu cầu cơ bản về Truyền thông chính sách)

Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe Tiến sĩ, Phạm Quốc Sử - Phó Giám đốc Sở Tư pháp truyền đạt những yêu cầu cơ bản về truyền thông chính sách; những nội dung, hình thức tổ chức truyền thông chính sách và Kỹ năng truyền thông, xử lý thông tin khi thực hiện truyền thông chính sách…

Phát biểu kết luận Hội nghị tập huấn đồng chí Phạm Thị Ngọc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp - Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh mong muốn, sau cuộc tập huấn này, công tác truyền thông chính sách của tỉnh được đẩy mạnh thực hiện. Bên cạnh truyền thông, thông tin trên các kênh báo chí chính thống, cần tận dụng mạng xã hội, các phương tiện truyền thông ở cơ sở để góp phần hoàn thiện chính sách, tạo sự đồng thuận của xã hội đối với các chính sách, quy định pháp luật khi được ban hành; góp phần nâng cao chất lượng chính sách, tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật cũng như ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của mỗi tổ chức, cá nhân./.

Hứa Nguyên