Việc xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau đã được triển khai từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, năm 2015, Khung kiến trúc Chính phủ điện tử 1.0 được ban hành mở ra hướng phát triển mới với các ứng dụng của Chính phủ điện tử, là cơ sở để tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau giai đoạn năm 2016 - 2018, đánh dấu bước phát triển rõ rệt trong việc xây dựng Chính quyền điện tử hướng đến Chính quyền số của tỉnh. Minh chứng cho sự phát triển đó là sự ra đời của Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để cung cấp dịch vụ và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Đây là giải pháp mang tính đột phá trong công tác cải cách hành chính, là tiền đề để đi đến hoàn thiện Chính quyền điện tử, hướng đến Chính quyền số trong giai đoạn tiếp theo.

Theo đó, người dân và doanh nghiệp được cung cấp thông tin, cung cấp dịch vụ hành chính công nhanh hơn, thuận tiện hơn, ít phải đến trực tiếp nhiều cơ quan chính quyền. Bằng các hình thức giải quyết thủ tục hành chính trực tiếp, trực tuyến và qua dịch vụ bưu chính, người dân và doanh nghiệp khi làm thủ tục có thể chỉ đến một cơ quan và chỉ một lần để nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tiếp ngay tại chỗ hay có thể làm thủ tục trực tuyến (nộp hồ sơ và nhận kết quả tại nhà) thông qua Cổng dịch vụ công trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính.

Hệ thống quản lý văn bản và điều hành được phát triển, hoàn thiện và triển khai mở rộng cho nhiều đơn vị sử dụng. Đến nay, đã triển khai cho 655 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Cà Mau, có hơn 11.000 tài khoản người dùng. Hệ thống đáp ứng đầy đủ tính năng gửi, nhận văn bản điện tử và liên thông được 4 cấp (từ Trung ương đến cấp xã).

Chữ ký số được tăng cường sử dụng trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị nhằm thực hiện số hóa, thay thế văn bản giấy bằng văn bản điện tử; đây cũng là giải pháp thiết thực, an toàn, nhanh chóng, thuận tiện … mang lại hiệu quả tích cực trong xây dựng Chính quyền điện tử, tiến tới Chính quyền số, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính của tỉnh.

Hệ thống hộp thư điện tử công vụ của tỉnh được đầu tư, nâng cấp chuyển đổi công nghệ đáp ứng nhu cầu sử dụng thư điện tử của cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo hoạt động ổn định, bảo mật cao; có khả năng tích hợp với hệ thống xác thực tập trung và đăng nhập một lần (SSO) vào các hệ thống công nghệ thông tin dùng chung của tỉnh thông qua tài khoản thư điện tử công vụ.

Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước; Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh đã triển khai đến cấp xã, kết nối thông suốt, sẵn sàng họp với Chính phủ, phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị.

Triển khai Ứng dụng Chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau (CaMau-G) làm đại diện cho hệ thống phần mềm Chính quyền điện tử của tỉnh Cà Mau, từng bước tích hợp các ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh, tập trung về một đầu mối truy cập, nhằm hướng tới phục vụ đa dạng người sử dụng dịch vụ công của cơ quan nhà nước; là kênh kết nối để thông tin, tương tác trực tuyến giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp. Ứng dụng có thể tải sử dụng trên hai nền tảng di động IOS và Android.

Với những kết quả đã đạt được, năm 2020 tỉnh Cà Mau xếp thứ 8, năm 2021 xếp thứ 2/63 tỉnh, thành, đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về chỉ số “Hiện đại hoá hành chính” trong xếp hạng cải cách hành chính (PAR INDEX). Qua đó, góp phần quan trọng vào hiệu quả hoạt động cải cách hành chính và cải thiện chỉ số PCI của tỉnh nhà.

Yêu cầu cải cách hành chính thôi thúc Chính quyền điện tử phải hoàn thiện hơn, bước nhanh hơn lên Chính quyền số để cải cách hành chính sâu, rộng hơn; cùng với việc ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin của người dân, doanh nghiệp ngày càng nhiều trong hoạt động kinh tế - xã hội đã hình thành trào lưu chuyển đổi số và mở ra khả năng cải cách hành chính mạnh mẽ. Tỉnh Cà Mau đã xây dựng “Đề án Chuyển đổi số tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó tập trung phát triển Chính quyền số nhằm đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, quản lý, điều hành của cơ quan Đảng, đoàn thể và các cấp chính quyền; cung cấp dịch vụ công thuận tiện cho người dân, tăng cường sự tham gia của người dân trong hoạt động cơ quan nhà nước; phát triển dữ liệu mở để người dân, doanh nghiệp có trải nghiệm tốt nhất về dịch vụ, nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phát triển Chính quyền điện tử hướng đến Chính quyền số là nhiệm vụ chưa có tiền lệ. Vì vậy, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao; đồng bộ triển khai ở các cấp, các ngành, các đơn vị; phải kiên trì, bền bỉ thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể. Tin rằng, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của toàn xã hội sẽ tạo nên sự phát triển đột phá, phát triển nhanh và bền vững của tỉnh trong thời gian tới và việc xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số tỉnh Cà Mau sẽ thành công như mong đợi./.