Theo đó Thông tư quy định rõ về yêu cầu đối với tài liệu dành cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non như:  phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam; tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; nội dung, hình thức của tài liệu phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lý, đạo lý, thuần phong mỹ tục của Việt Nam; đảm bảo tính khoa học, sư phạm, thẩm mỹ, gắn với điều kiện thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non tại các địa phương; đảm bảo Quyền trẻ em; phù hợp với mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục quy định tại Chương trình Giáo dục mầm non; đáp ứng xu thế hội nhập, yêu cầu đổi mới phương pháp và tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non...

Tổ chức tham gia biên soạn tài liệu là tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam, có chức năng quản lý, kinh doanh hoặc hoạt động trong lĩnh vực giáo dục; có đội ngũ biên soạn đáp ứng yêu cầu theo quy định; cá nhân tham gia biên soạn tài liệu phải có trình độ đào tạo từ đại học trở lên; có chuyên môn phù hợp với tài liệu được biên soạn; có thời gian công tác tối thiểu là 05 (năm) năm trong lĩnh vực chuyên môn phù hợp với nội dung tài liệu; có am hiểu về giáo dục mầm non; có phẩm chất đạo đức tốt.

Việc biên soạn tài liệu được thực hiện theo quy định của Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ; tổ chức, cá nhân biên soạn tài liệu theo quy định.

Thành viên Hội đồng thẩm định tài liệu phải có phẩm chất đạo đức tốt; có đủ thời gian và sức khoẻ để tham gia thẩm định tài liệu; có trình độ từ đại học trở lên, am hiểu khoa học giáo dục mầm non, có chuyên môn phù hợp với tài liệu được thẩm định; trường hợp thành viên Hội đồng là giáo viên phải có thời gian nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em trực tiếp tại cơ sở giáo dục mầm non từ đủ 05 (năm) năm trở lên; người tham gia biên soạn tài liệu được đề nghị thẩm định không được tham gia Hội đồng thẩm định.

Việc lựa chọn tài liệu cho giáo dục mầm non thì tài liệu được lựa chọn trên cơ sở thực tiễn việc thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non, Chương trình giáo dục nhà trường, kế hoạch năm học chung của toàn ngành, nguồn lực của địa phương, nhà trường và cha mẹ, người chăm sóc trẻ em; bảo đảm tính khả thi, dễ hiểu, dễ thực hiện, thiết thực trong nâng cao chất lượng hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em..

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 21 tháng 12 năm 2021.

Hứa Nguyên