Đối tượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước là việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kiểm toán nhà nước được quy định tại Điều 8 Luật Kiểm toán nhà nước như sau:

  Nghiêm cấm các hành vi sau đây đối với Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán viên nhà nước và cộng tác viên Kiểm toán nhà nước: Sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đơn vị được kiểm toán; Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động bình thường của đơn vị được kiểm toán; Đưa, nhận, môi giới hối lộ; Báo cáo sai lệch, không đầy đủ kết quả kiểm toán; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi; Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp của đơn vị được kiểm toán; Tiết lộ thông tin về tình hình và kết quả kiểm toán chưa được công bố chính thức.

  Nghiêm cấm các hành vi sau đây đối với đơn vị được kiểm toán và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán: Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho cuộc kiểm toán theo yêu cầu của Kiểm toán nhà nước và Kiểm toán viên nhà nước; Cản trở công việc của Kiểm toán nhà nước và Kiểm toán viên nhà nước; Báo cáo sai lệch, không trung thực, không đầy đủ, kịp thời hoặc thiếu khách quan thông tin liên quan đến cuộc kiểm toán của Kiểm toán nhà nước; Mua chuộc, đưa hối lộ cho Kiểm toán viên nhà nước và cộng tác viên Kiểm toán nhà nước; Che giấu các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính công, tài sản công.

  Nghiêm cấm mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán, kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước và Kiểm toán viên nhà nước, cộng tác viên Kiểm toán nhà nước./.

Duy Linh