Do các hộ nuôi tôm công nghiệp thường xuyên cải tạo ao, đầm sau mỗi vụ nuôi, còn các hộ nuôi tôm quảng canh cải tiến thường xuyên trực tiếp lấy nước vào vuông không qua ao lắng và không có điều kiện để xử lý nước. Từ đó vấn đề ô nhiễm môi trường nước vùng nuôi trồng thủy sản ngày càng trở nên bức xúc.

Khi sên, vét đất, bùn để cải tạo ao, đầm nuôi trồng thuỷ sản cần đảm bảo về điều kiện về Hệ thống khu chứa đất, bùn, chất thải, nước thải

Trước thực trạng trên, ngày 06/7/2021 Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành Quyết định số 17/2021/QĐ-UBND quy định về sên, vét đất, bùn để cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau, Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 24/7/2021. Theo đó, UBND tỉnh quy định: sên, vét đất, bùn để cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản là hoạt động đưa lượng đất, bùn hoặc mùn bã hữu cơ hình thành trong quá trình nuôi thủy sản ra khỏi ao, đầm nuôi trồng thủy sản bằng thủ công hoặc bằng cơ giới như: xáng cạp, cần cuốc (máy đào) được thực hiện quanh năm; nếu bằng máy khoan, máy bơm hút bùn chỉ được thực hiện từ ngày 15 tháng 8 đến ngày 15 tháng 10 dương lịch hàng năm. Hoạt động này nếu thực hiện tại các địa giáp ranh của các huyện thì Ủy ban nhân dân cấp huyện kể cả huyện giáp ranh với các tỉnh khác cùng trao đổi, thống nhất thời gian sên, vét đất, bùn để cải tạo ao, đầm nuôi trồng thuỷ sản nhưng phải nằm trong khoảng thời gian theo quy định nêu trên.

Khi sên, vét đất, bùn để cải tạo ao, đầm nuôi trồng thuỷ sản cần đảm bảo về điều kiện về Hệ thống khu chứa đất, bùn, chất thải, nước thải có thể sử dụng riêng hoặc chung cho nhiều hộ nuôi hoặc cơ sở nuôi; khu chứa phải có bờ bao vững chắc; không để bị rò rỉ, sạt lở; thể tích đủ lớn để chứa đủ toàn bộ lượng đất, bùn, chất thải, nước thải trong quá trình sên, vét; chia thời gian sên, vét ra thành nhiều đợt, mỗi đợt cách nhau từ 02 đến 03 ngày để cho đất, bùn, chất thải, nước thải có đủ thời gian lắng tụ; không để đất, bùn, chất thải, nước thải chưa lắng tụ chảy trực tiếp ra môi trường bên ngoài. Vị trí xây dựng và hình dạng khu chứa đất, bùn, chất thải, nước thải tùy vào điều kiện thực tế của cơ sở nuôi; khu chứa phải được xây dựng trước khi sên, vét; bờ bao được gia cố chắc chắn có chiều rộng tối thiểu 1,5 mét và chiều cao tối thiểu 01 (một) mét. Đối với cơ sở nuôi sử dụng khu chứa cũ, trước khi sên, vét cần kiểm tra, gia cố bờ bao; nạo vét đất, bùn, chất thải ở đáy ao của khu chứa và vận chuyển đến khu vực khác để tăng thể tích chứa, đảm bảo chứa đủ lượng đất, bùn, chất thải, nước thải trong quá trình sên, vét. Đối với cơ sở nuôi có diện tích nhỏ có thể tận dụng phần diện tích mương, vườn sử dụng không hiệu quả, sau đó xây, đắp bờ bao làm thành khu chứa; đảm bảo chứa đủ lượng đất, bùn, chất thải, nước thải không để chảy tràn ra môi trường bên ngoài. Đối với cơ sở nuôi có diện tích lớn, nên xây dựng 02 (hai) khu chứa. Khu thứ nhất được chứa đất, bùn, chất thải, nước thải được bơm trực tiếp vào từ quá trình sên, vét. Khu thứ hai chứa nước thải từ khu thứ nhất chảy tràn sang, tại đây nước được lắng tụ trước khi đưa ra môi trường. Đất, bùn, chất thải, nước thải trong quá trình sên, vét được thu gom vào khu chứa được bố trí sẵn với quy trình xử lý đất, bùn, chất thải, nước thải có 01 khu chứa theo quy trình xử lý bùn, chất thải, nước thải, sau khi hoàn thành sên, vét, cơ sở nuôi phải để đất, bùn, chất thải, nước thải lắng tụ trong khu chứa từ 02 - 03 ngày trước khi cho nước chảy ra môi trường bên ngoài.

 

           Phạm Quốc Sử