Theo đó, Chủ đề là bộ phận cấu thành của Bộ pháp điển, trong đó chứa đựng quy phạm pháp luật điều chỉnh các nhóm quan hệ xã hội nhất định được xác định theo lĩnh vực. Tên mỗi chủ đề được xác lập theo quy định tại Điều 7 Pháp lệnh pháp điển.

Ví dụ: Pháp lệnh pháp điển quy định các chủ đề được sắp xếp theo thứ tự như sau: Chủ đề số 1: An  ninh, quốc gia; Chủ đề số 2: Bảo hiểm; Chủ đề số 3: Bưu chính, viễn thông;…

Trong đó, chủ đề số 2 “Bảo hiểm” chứa đựng các quy phạm pháp luật điều chỉnh nhóm quan hệ xã hội về bảo hiểm như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh doanh bảo hiểm.

 Đề mục là bộ phận cấu thành chủ đề, trong đó chứa đựng quy phạm pháp luật điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội nhất định. Tên gọi của đề mục là tên gọi của văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội thuộc chủ đề. Theo tên gọi của từng đề mục, các đề mục trong mỗi chủ đề được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Việt và được đánh số theo chữ số Ả rập, bắt đầu từ số 1.

Ví dụ: Trong chủ đề “Dân sự” (chủ đề số 9) có các đề mục sau:

Đề mục “Dân sự” (thứ tự 1): tên gọi của đề mục là tên gọi của văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất là Bộ luật Dân sự;

Đề mục “Đăng ký giao dịch bảo đảm” (thứ tự 2): tên gọi của đề mục là tên gọi của văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất là Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm;

Đề mục “Giao dịch bảo đảm” (thứ tự 3): tên gọi của đề mục là tên gọi của văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất là Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

 Phần, chương, mục, tiểu mục là bộ phận cấu thành của đề mục, chứa đựng các điều của Bộ pháp điển. Các phần, chương, mục, tiểu mục của đề mục được cấu trúc theo các phần, chương, mục, tiểu mục của văn bản có tên gọi được sử dụng làm tên gọi của đề mục. Việc bổ sung phần, chương, mục, tiểu mục được thực hiện theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 06 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh pháp điển hệ thống pháp luật.

Điều là bộ phận cấu thành của phần, chương, mục, tiểu mục trong Bộ pháp điển; nội dung của mỗi điều trong Bộ pháp điển là nội dung của điều tương ứng trong văn bản được pháp điển. Số của điều trong Bộ pháp điển được thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Khoản 6 Điều 4 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP. Các điều trong Bộ pháp điển được ghi chú để chỉ rõ điều của văn bản quy phạm pháp luật được pháp điển./.

Trung Đông