(Ảnh Minh họa, Nguồn wwbaochinhphu.vn)

Trung tâm dữ liệu quốc gia là trung tâm dữ liệu do Chính phủ xây dựng, quản lý, khai thác và vận hành; tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, chia sẻ, phân tích, khai thác, điều phối dữ liệu của các cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật nhằm hình thành kho dữ liệu về con người và kho dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia; dữ liệu tại Trung tâm dữ liệu quốc gia là nền tảng cốt lõi cung cấp các dịch vụ liên quan đến dữ liệu, hỗ trợ hoạch định chính sách, kiến tạo phát triển, xây dựng Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số, bảo đảm quốc phòng an ninh. Đồng thời cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin cho các tổ chức chính trị - xã hội, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ quan có nhu cầu sử dụng để khai thác, vận hành, nâng cao hiệu quả, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

Mục tiêu cụ thể của Đề án

- Về dữ liệu:

+ Hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác kho dữ liệu tổng hợp, triển khai ngay việc tổng hợp dữ liệu liên quan đến công dân Việt Nam và người nước ngoài sinh sống, có hoạt động tại Việt Nam làm tiền đề phát triển các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ bảo đảm an ninh quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội (hoàn thành cơ bản năm 2025); bảo đảm dữ liệu đúng, đủ, sạch, sống cho các cơ sở dữ liệu quốc gia cũng như cơ sở dữ liệu của các cơ quan, tổ chức do dữ liệu được tổng hợp, đối sánh từ nhiều nguồn; giảm thiểu các bước trung gian trong quá trình kết nối, chia sẻ. Kho dữ liệu về con người bao gồm dữ liệu thuộc các lĩnh vực: dân cư, dữ liệu sinh trắc, di biến động cư trú, bảo hiểm, y tế và an sinh xã hội, giáo dục và đào tạo; lao động việc làm, hộ tịch và thu thập tối đa các thông tin lĩnh vực khác như vi phạm hành chính, thuế, thu nhập cá nhân...

+ Đến hết năm 2025, hoàn thành cơ bản xây dựng và đưa vào khai thác kho dữ liệu tổng hợp được đồng bộ từ các cơ sở dữ liệu quốc gia và phối hợp khai thác với kho dữ liệu về con người; từ năm 2026, triển khai thực hiện việc phân tích dữ liệu chuyên sâu hỗ trợ công tác xây dựng cơ chế chính sách, quy hoạch chiến lược phát triển quốc gia; đồng thời tạo điều kiện phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ mới trên nền các dữ liệu sổ được khai thác từ các kho dữ liệu dùng chung và kho dữ liệu mở, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

+ Từ năm 2025, đưa Trung tâm dữ liệu quốc gia đóng vai trò là nơi để trao đổi, kết nối quốc tế nhằm chia sẻ thông tin, nghiên cứu phát triển các chiến lược phát triển và đặt nền tảng nghiên cứu, hỗ trợ khai thác, phát triển nền tảng khoa học công nghệ đất nước.

+ Đến 2030, hoàn thành việc triển khai Trung tâm dữ liệu quốc gia là nơi lưu trữ dữ liệu, hệ thống thông tin của các cơ sở dữ liệu quốc gia, kết nối liên thông dữ liệu với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, các hệ thống thông tin trong nước và tổ chức Chính phủ các nước để phục vụ các hoạt động trên môi trường số bảo đảm lợi ích hợp pháp của Việt Nam.

- Về quy hoạch kiến trúc dữ liệu của Trung tâm dữ liệu quốc gia

+ Đến năm 2025, hoàn thành xây dựng và triển khai Bộ tiêu chuẩn áp dụng cho công tác quy hoạch kiến trúc các cơ sở dữ liệu quốc gia tại Trung tâm dữ liệu quốc gia về việc phân cấp, phân loại dữ liệu theo các độ mở, cấp độ mật, tối mật, tuyệt mật và mức độ ảnh hưởng đến quốc gia, người dân và doanh nghiệp; hoàn thành quy hoạch cụ thể phân kho lưu trữ và thiết lập các chính sách an ninh an toàn thông tin phù hợp với đối tượng, phương thức truy cập, quyền khai thác đối với từng loại dữ liệu.

+ Đến năm 2030, hoàn thành việc triển khai các quy hoạch, tiêu chuẩn, kiến trúc dữ liệu tại Trung tâm dữ liệu quốc gia cũng như cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương.

- Về phân tích và khai thác dữ liệu

+ Đến hết năm 2025, triển khai thành công các công nghệ, giải pháp hiện đại và đào tạo được chuyên gia khoa học dữ liệu, đặc biệt là chuyên gia phân tích dữ liệu có trình độ cao để thực hiện công tác phát triển, tổng hợp và khai thác, phân tích dữ liệu tổng thể, đa chiều, khách quan...

+ Từ năm 2026, triển khai công tác lập các báo cáo dự báo tham mưu cho Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương phục vụ công tác quản lý, điều hành thông qua dữ liệu. Thực hiện cung cấp một số dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở quan trọng đáp ứng nhu cầu sử dụng cho người dân, doanh nghiệp và đối tác nước ngoài khai thác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

+ Đến năm 2030, trên 90% các hoạt động hành chính trao đổi, phối hợp cung cấp thông tin giữa các cơ quan nhà nước được thay thế bằng chia sẻ dữ liệu số từ các kho dữ liệu tổng hợp trong Trung tâm dữ liệu quốc gia.

- Về hạ tầng, thiết bị công nghệ thông tin

+ Đến hết 2025, hoàn thành cơ bản việc xây dựng hạ tầng nhà trạm của Trung tâm dữ liệu quốc gia tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của quốc tế về trung tâm dữ liệu, về an toàn thông tin, bảo đảm độ sẵn sàng của hệ thống, hạ tầng công nghệ hiện đại, đồng bộ. Chủ động triển khai nền tảng điện toán đám mây trong Trung tâm dữ liệu quốc gia, liên tục cập nhật theo xu thế công nghệ mới nhất, tránh lãng phí, đáp ứng mục tiêu của cuộc cách mạng 4.0.

+ Từ năm 2026, thực hiện cung cấp hạ tầng nhà trạm (nguồn điện, điều hòa, bảo đảm phòng cháy chữa cháy...) và chỗ đặt trang thiết bị công nghệ thông tin theo tiêu chuẩn Trung tâm dữ liệu ANSI/TIA-942 tối thiểu Tier 3 hoặc tương đương cho các bộ, ngành và địa phương (có nhu cầu) nhằm bảo đảm tính đồng bộ trong bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Đồng thời, tăng cường các yếu tố về an ninh, quốc phòng trong việc bảo đảm tính bí mật, an ninh trật tự cả trong và xung quanh khu vực Trung tâm dữ liệu quốc gia; bảo đảm cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin (tài nguyên hệ thống) cho các cơ sở dữ liệu quốc gia; các bộ, ngành, địa phương (có nhu cầu) và 100% các tổ chức chính trị - xã hội sử dụng; tích hợp với hạ tầng công nghệ thông tin có sẵn của các đơn vị để thống nhất, đồng bộ trong công tác vận hành, quản trị và bảo đảm an ninh, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.

+ Đến năm 2030, cơ bản các hệ thống thông tin của bộ, ngành, địa phương (có nhu cầu) được quản lý, lưu trữ ở Trung tâm dữ liệu quốc gia (trừ các hệ thống phục vụ quốc phòng, an ninh, các hệ thống chuyên ngành đặc thù khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định).

- Về cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính

Tham gia và đóng góp quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu cải cách hành chính và phát triển Chính phủ số Việt Nam, như: bảo đảm 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính, giấy tờ do cơ quan nhà nước ban hành được lưu trữ trong kho dữ liệu số của các cơ quan nhà nước, được chia sẻ và sử dụng lại trong các thủ tục hành chính, hoạt động hành chính và sử dụng thay thế hoàn toàn bản giấy. 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương. Đến năm 2025, tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến, người dân, tổ chức và đơn vị chỉ phải nhập dữ liệu một lần. Cắt giảm tối thiểu 20% thành phần hồ sơ thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước so với hiện nay. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90%. Đến năm 2030, 90% số lượng người dân, doanh nghiệp tham gia hệ thống Chính phủ điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 95%.

- Về phát triển Chính phủ điện tử

+ Đến năm 2025, Việt Nam thuộc nhóm: 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI); 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI); 40 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI).

+ Đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm: 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI); 30 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI); 30 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI).

- Về phát triển kinh tế - xã hội

Phát triển thêm các lĩnh vực, ngành nghề kinh tế mới dựa trên dữ liệu và đóng góp vào tăng trưởng tỷ trọng kinh tế số trong Tổng sản phẩm trong nước (GDP) theo mục tiêu quốc gia “Đến năm 2025, kinh tế số Việt Nam đạt khoảng 20% GDP, đưa Việt Nam vươn lên đứng thứ hai về kinh tế số ở Đông Nam Á. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP”. Tham gia quan trọng vào phát triển nền kinh tế dữ liệu, bảo đảm mục tiêu kinh tế dữ liệu đóng góp vào GDP đất nước.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 10 năm 2023./.

Thùy Loan