(Ảnh minh họa - internet)

Thông báo nêu rõ, sau khi nghe đại diện lãnh đạo Sở Y tế trình xin ý kiến về việc thành lập các bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19; ý kiến phát biểu của các đồng chí dự họp ngày 30/7/2021, đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh kết luận như sau:

Dịch bệnh Covid-19 là đại dịch nguy hiểm trên toàn thế giới, chưa có thuốc chữa nên “cuộc chiến” phòng, chống dịch còn trường kỳ, ngay cả khi đã có vắc-xin để phòng, chống. Do đó, công tác phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ rất quan trọng, cấp bách; trong chuỗi công tác thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua, các cấp, các ngành, nhất là ngành y tế đã có nhiều nỗ lực, quyết liệt trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ khoanh vùng, truy vết, cách ly, xét nghiệm và điều trị bệnh, đến nay dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, khó dự báo, nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và một số tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long dịch bệnh còn ở mức độ nguy cơ cao và rất cao; trong khi đó người xâm nhập tỉnh qua các đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa... rất khó ngăn chặn triệt để, khả năng khoanh vùng, xét nghiệm, tiêm vacxin... áp dụng các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan còn hạn chế. Để chủ động công tác cách ly, điều trị kịp thời, hiệu quả việc xây dựng các bệnh viện dã chiến là yêu cầu bức thiết trong tình hình hiện nay; công tác xét nghiệm và điều trị là hai khâu vô cùng quan trọng để dập dịch, do đó việc xây dựng bệnh viện dã chiến và công tác xét nghiệm, điều trị bệnh phải bảo đảm thực hiện những nguyên tắc, nội dung trọng tâm sau đây:

1. Do đại dịch Covid-19 chưa có tiền lệ, nên quá trình chỉ đạo, thực hiện phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm từ thực tiễn với tinh thần “Đi trước một bước, đi trên một cấp” (theo chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19), với mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trước hết, trên hết, yêu cầu các cấp, các ngành phải nhanh chóng, kịp thời, linh hoạt trong công tác phòng, chống dịch. Theo đó, yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ngành có liên quan căn cứ mức độ, khả năng xảy ra dịch bệnh và thực tế diễn biến dịch bệnh ở các địa phương trong khu vực và khả năng phòng, chống dịch của tỉnh để lượng hóa số ca nhiễm ở tỉnh ta, từ đó để có căn cứ tính toán, xây dựng kịch bản, phương án cho từng cấp độ bệnh (cần chuẩn bị kịch bản cho tình huống xấu nhất để có thể ứng biến phù hợp, tránh bị động, lúng túng). Căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế về căn cứ xác định mức độ nguy cơ và về tỷ lệ bệnh (nhẹ, trung bình, nặng, nguy kịch) trong tổng số ca bệnh theo từng tầng bệnh để bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế, cơ số thuốc và nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh phù hợp, hiệu quả.

Khi tình hình diễn biến phức tạp phải phân loại, phân tầng bệnh nhân kịp thời, chặt chẽ, chính xác để tập trung nguồn lực cứu chữa phù hợp, hiệu quả, giảm tối đa ca tử vong; không để thiếu trang thiết bị, vật tư y tế, nhất là oxy, máy thở. Trên cơ sở đó, xác định lại số lượng, địa điểm thành lập các bệnh viện dã chiến trên địa bàn tỉnh phù họp với từng cấp độ bệnh. Khảo sát, đánh giá, lựa chọn kỹ các địa điểm làm bệnh viện dã chiến, đảm bảo nguyên tắc nhanh chóng, tiết kiệm, đặc biệt phải an toàn tuyệt đối, phù hợp về chuyên môn, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện và lây lan ra cộng đồng; trước mắt khẩn trương đầu tư ít nhất 500 giường và có phương án mở rộng quy mô trên 1.000 giường khi cần thiết (lưu ý mặt bằng, không gian và các điều kiện khác khi mở rộng phải đồng bộ, thuận lợi), về quy trình, cách thức, thủ tục đầu tư xây dựng bệnh viện dã chiến, yêu cầu thực hiện đúng các quy định hiện hành (lưu ý các quy định mới trong phòng, chống dịch).

2. Rà soát, đánh giá lại thực trạng trang thiết bị, vật tư y tế tại các cơ sở y tế trong tỉnh để khẩn trương đầu tư, mua sắm theo đúng quy định, trong đó lưu ý những quy định mới của Chính phủ để đáp ứng yêu cầu nhanh, cấp bách phòng, chống dịch. Trong đầu tư, cần chủ động tính toán những phương án đầu tư tiết kiệm, hiệu quả, khi không phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 thì tiếp tục tận dụng để sử dụng vào những nơi khác, chữa trị những bệnh khác, về thuốc, sinh phẩm điều trị bệnh bắt buộc phải có để điều trị theo từng kịch bản cụ thể; đặc biệt lưu ý chủ động liên hệ các cơ sở cung ứng các trang thiết bị, thuốc... trước (có hợp đồng hoặc cam kết đảm bảo...) để đưa vào kế hoạch trang bị. Tăng cường hơn nữa huy động nguồn lực trong nhân dân, doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác công - tư trong phòng, chống dịch.

Các sở: Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư phối hợp, hỗ trợ Sở Y tế trong việc mua sắm, đầu tư, xây dựng, thi công các bệnh viện dã chiến nhanh chóng, kịp thời, đúng quy định, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch.

3. Về nhân lực phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19, xác định rõ nhu cầu và rà soát lại đội ngũ bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế..., lực lượng phục vụ tất cả các bệnh viện trên địa bàn tỉnh để phân công, bố trí hợp lý. Huy động lực lượng y tế tư nhân, bác sĩ về hưu nhưng còn sức khỏe, lực lượng tình nguyện viên phục vụ những vị trí không cần chuyên môn sâu, như: Hội Chữ thập đỏ, sinh viên Trường Cao đẳng y tế, thanh niên tình nguyện..., đồng thời động viên, bảo đảm điều kiện làm việc, sinh hoạt cho đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, chuyên gia, nhân viên kỹ thuật tham gia phòng, chống dịch.

4. Trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ tốt nhất sức khỏe cho nhân dân, Ngành Y tế cần nỗ lực quyết tâm hơn nữa, khắc phục ngay những hạn chế, khó khăn, thực hiện hoàn thành cao nhất nhiệm vụ được giao; phải chịu trách nhiệm trên hết, trước hết về mặt chuyên môn trong điều trị bệnh nhân Covid-19./.

 

                                                                                 Thành Đạt