Theo đó, Chương trình phối hợp về tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn năm 2021 - 2025 giữa Chính phủ, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thống nhất đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện như sau:

- 100% cơ sở sản xuất ban đầu, sơ chế, kinh doanh nhỏ lẻ nông lâm thủy sản ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn; Loại trìr hoàn toàn hiện tượng phân biệt sản xuất để ăn với để bán.

- 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, nhân rộng mô hình của Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm đặc thù OCOP; áp dụng quy trình quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm trong phát triển chuỗi giá trị nông sản thực phẩm cho 100% các sản phẩm chủ lực tại địa phương theo tiêu chuẩn quốc tế.

- 100% cấp Hội cập nhật ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ tiên tiến vào tuyên truyền, vận động, giám sát sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn.

Việc xây dựng Chương trình phối hợp nhằm huy động sức mạnh tổng trong việc nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật về an toàn thực phấm của các tổ chức, cá nhân, nhất là cơ sở nhở lẻ, hộ cá thể tích cực tham gia sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm; đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả việc sản xuất nông sản thực phẩm không an toàn; xóa bỏ hoàn toàn hiện tượng phân biệt sản xuất đế ăn với sản xuất để bán. Thúc đẩy việc áp dụng và nhân rộng các mô hình, quy trình quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm trong phát triển chuỗi giá trị nông sản thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế vì sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng và góp phần phát triển nông nghiệp bền vững. Phát huy vai trò các cấp Hội và hội viên Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong tuyên truyền, vận động và giám sát việc bảo đảm an toàn thực phẩm. Kịp thời phát hiện, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; đấu tranh, lên án các hành vi vi phạm.

Để thực hiện đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình phối hợp, Chính phủ, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề ra nhóm nội dung cần thực hiện như sau:

Thứ nhất, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản thực phẩm chất lượng, an toàn. Phổ biến về yêu cầu, tiêu chuẩn, quy chuẩn của các nước nhập khẩu nông lâm thủy sản. Tuyên truyền nâng cao nhận thức và cung cấp kiến thức cho người tiêu dùng về an toàn thực phẩm.

Thứ hai, tiếp tục vận động các cơ sở sản xuất ban đầu, sơ chế, kinh doanh nhỏ lẻ nông lâm thủy sản ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn, không phân biệt sản xuất để ăn với để bán.

Thứ ba, vận động, hướng dẫn, tập huấn áp dụng xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; sơ chế, chế biến sản phẩm đặc thù OCOP; áp dụng quy trình quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm theo chuẩn mực quốc tế; chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm; chuỗi giá trị nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn cho các sản phẩm chủ lực của địa phương theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế. Tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, các kỹ năng kinh doanh, marketing tiêu thụ sản phẩm... cho hội viên kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn.

Thứ tư, hỗ trợ kết nối cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm an toàn với nhà phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng mô hình thương hiệu sản phẩm nông lâm thủy sản quy mô hộ gia đình sản xuất làm chủ, an toàn, chất lượng quốc tế, chủ động kết nối phát triển thị trường. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, kết nối với các sàn giao dịch thương mại, hội chợ xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn.

Thứ năm, hỗ trợ cho các cấp Hội và hội viên Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phấm an toàn; tham gia xây dựng cơ chế, chính sách về an toàn thực phẩm.

Thứ sáu, phát hiện, kịp thời biểu dương, tôn vinh những điển hình tiên tiến; đấu tranh, lên án các hành vi, các trường hợp sản xuất, kinh doanh, tiếu thụ nông sản thực phẩm không an toàn.

Về trách nhiệm trong quá triển khai thực hiện Chương trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao nhiệm là cơ quan đầu mối triển khai và chịu trách nhiệm thực hiện; Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng nhiệm vụ được phân công xây dựng Kế hoạch, Chương trình thực hiện phù hợp.

Đối với tỉnh Cà Mau, ngày 25/10/2021, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công văn số 6868/UBND-NNTN đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau và các đơn vị có liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị, tổ chức thực hiện các nội dung có liên quan tại Chương trình phối hợp nêu trên. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm đầu mối theo dõi việc thực hiện; kịp thời báo cáo, tham mưu đề xuất ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện (nếu có).

Với sự quyết liệt trong chỉ đạo, chặt chẽ trong tổ chức và triển khai thực hiện, tin rằng Chương trình phối hợp “Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025” được tuyên truyền sâu rộng, lan tỏa đến các địa phương trong tỉnh, người sản xuất kinh doanh thực phẩm, tác động mạnh đến nhận thức của cộng đồng về an toàn thực phẩm, đồng hành chung tay sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn, lên án các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm./.

Phú Toàn