(Ảnh minh họa)

Các bước tiêm chủng an toàn cho trẻ thực hiện như sau:

Bước 1: Tiếp nhận và phân loại đối tượng đến tiêm chủng tại nơi tiếp đón:  Phát khẩu trang cho đối tượng tiêm chủng nếu đối tượng không mang; thực hiện đo thân nhiệt cho đối tượng tiêm chủng; hướng dẫn, kiểm tra đối tượng tiêm chủng và người nhà đi cùng thực hiện khai báo y tế điện tử hoặc khai báo y tế bản giấy. Đối với đối tượng chưa thực hiện đăng ký trước khi đến tiêm chủng, cơ sở tiêm chủng hướng dẫn người dân đăng ký trên hệ thống và theo dõi hướng dẫn từ hệ thống.

Bước 2: Hoàn thành phiếu đồng ý tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19: Nhân viên y tế cung cấp phiếu đồng ý tiêm chủng vắc xin COVID-19 theo mẫu. Phiếu này cần được phát trước đó cùng với khi gửi thông báo/thư mời. Cha/mẹ/người giám hộ của trẻ điền thông tin và ký vào phiếu đồng ý tiêm chủng trước khi sàng lọc.

Bước 3: Khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19: Thực hiện khám sàng lọc cho trẻ em trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19: Nhân viên y tế thực hiện khám sàng lọc phải có trình độ từ Y sĩ trở lên và đã được tập huấn chuyên môn về về khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em. Sử dụng bảng kiểm khám sàng lọc; xác định tên, tuổi địa chỉ đối tượng tiêm chủng. Họ tên người giám hộ và số điện thoại liên hệ khi cần thiết; hỏi tiền sử và các thông tin có liên quan: vì đối tượng tiêm chủng là trẻ em nên các nội dung này có thể hỏi cha mẹ/phụ huynh học sinh/người giám hộ hoặc thầy cô giáo; đo thân nhiệt, đếm mạch, nghe tim, phổi; kết luận sau khi khám sàng lọc

- Chỉ định tiêm chủng ngay cho những trường hợp đủ điều kiện nếu trẻ không thuộc nhóm đối tượng hoãn tiêm và chống chỉ định.

- Trì hoãn tiêm chủng đối với trường hợp: đang mắc bệnh cấp tính, mãn tính tiến triển. Đối với trẻ đã mắc COVID-19, trì hoãn tiêm chủng sau khi mắc bệnh 3 tháng.

- Chuyển tiêm đến khám sàng lọc, tiêm chủng tại bệnh viện đối với trường hợp: mắc bệnh bẩm sinh, bệnh mãn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu...; nghe tim phổi bất thường; có tiền sử phản vệ độ 3 với bất kỳ nguyên nhân gì;

- Chống chỉ định tiêm chủng đối với trường hợp: Có tiền sử rõ ràng phản vệ với vắc xin phòng COVID-19 lần trước hoặc các thành phần của vắc xin phòng COVID-19.

- Thận trọng khi tiêm chủng đối với trường hợp: có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào; rối loạn tri giác, rối loạn hành vi.

- Tư vấn trước tiêm chủng các nội dung sau: Thông báo về loại vắc xin phòng COVID-19 được tiêm chủng lần này, tác dụng và lợi ích của việc sử dụng vắc xin và những sự cố bất lợi có thể gặp sau tiêm chủng; hướng dẫn cách theo dõi sức khỏe sau khi tiêm chủng theo các nội dung trong Hướng dẫn người được tiêm chủng/người giám hộ theo dõi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; hướng dẫn các đối tượng tiêm chủng sau khi tiêm vắc xin vẫn phải thực hiện thông điệp 5K; nhắc đối tượng tiêm chủng/người giám hộ giữ phiếu xác nhận đã tiêm chủng, tải ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử /PC-Covid và đăng ký tài khoản trên ứng dụng để theo dõi lịch sử tiêm chủng vắc xin COVID-19 và chủ động khai báo về sự cố bất lợi sau tiêm chủng.

Bước 4: Thực hiện tiêm chủng

Thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho đối tượng theo đúng chỉ định, bảo đảm an toàn:

- Bảo quản vắc xin trong buổi tiêm chủng: Vắc xin phải được bảo quản trong dây chuyền lạnh (tủ lạnh/hòm lạnh/phích vắc xin) ở nhiệt độ từ +2°C đến +8°C. Tại bàn tiêm chủng bảo quản vắc xin trong phích vắc xin.

- Thực hành tiêm chủng: Sử dụng vắc xin theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất đã được Bộ Y tế phê duyệt cho lứa tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi:

- Vắc xin Comirnaty: Liều lượng 0,2ml, tiêm bắp. Lịch tiêm gồm 2 mũi cách nhau 4 tuần.

- Vắc xin Moderna: Liều lượng 0,25ml, tiêm bắp. Lịch tiêm gồm 2 mũi cách nhau 4 tuần.

*Lưu ý: Sử dụng cùng loại vắc xin để tiêm đủ 2 mũi cho 1 đối tượng.

- Ghi chép thông tin sau khi tiêm vắc xin: Ghi các thông tin vào danh sách/phần mềm quản lý đối tượng được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; “Giấy xác nhận tiêm đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ”.

Bước 5: Theo dõi sự cố bất lợi sau tiêm chủng: Tại các điểm tiêm chủng cần phân công nhân viên y tế chịu trách nhiệm theo dõi, xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng; chuẩn bị hộp thuốc cấp cứu phản vệ tại mỗi bàn tiêm, trang thiết bị y tế và cấp cứu phản vệ tại điểm tiêm chủng. Lưu ý kiểm tra thường xuyên hạn sử dụng của thuốc.

- Mỗi bàn tiêm: Chuẩn bị sẵn 01 Bơm tiêm có chứa dung dịch Adrenalin 1mg/1ml (rút sẵn 1ml thuốc Adrenalin 1mg/1ml vào bơm tiêm gắn sẵn kim, đậy kín kim tiêm bằng nắp). Kết thúc buổi tiêm chủng nếu không sử dụng đến cần phải hủy bỏ bơm tiêm có chứa dung dịch Adrenalin 1mg/1ml.

- Có sẵn phương án phân công cụ thể người hỗ trợ cấp cứu, đội cấp cứu lưu động, phương tiện vận chuyển bệnh nhân khi cần thiết.

- Theo dõi người được tiêm chủng ít nhất 30 phút sau tiêm chủng tại điểm tiêm chủng. Sau khi kết thúc thời gian theo dõi sau tiêm chủng, cơ sở tiêm chủng cung cấp giấy xác nhận đã tiêm vắc xin cho đối tượng tiêm chủng và hẹn ngày tiêm chủng lần sau./.

Bài: Hứa Nguyên

Ảnh nguồn baochinhphu.vn