Mục tiêu điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu tin cậy về địa chất, khoáng sản, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bảo đảm quản lý chặt chẽ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn

Đến năm 2025, lập bản đồ địa chất khoáng sản tỉ lệ 1:50.000 đạt 80% diện tích đất liền. Điều tra địa chất, khoáng sản biển tỉ lệ 1:500.000 tại một số khu vực đến độ sâu 300 mét nước.

Đến năm 2030, cơ bản tất cả các loại khoáng sản trên địa bàn tỉnh được điều tra cơ bản địa chất và thăm dò đánh giá trữ lượng để quản lý chặt chẽ và khai thác sử dụng có hiệu quả các nguồn khoáng sản là lợi thế của tỉnh như: Khí đốt, than bùn, tài nguyên đất,... nhằm đảm bảo về quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tình hình mới.

Tầm nhìn đến năm 2045 hoàn thành 100% việc lập bản đồ địa chất khoáng sản tỉ lệ 1:50.000 đối với diện tích đất liền và tỉ lệ 1:500.000 trên biển. Hoàn thành công tác điều tra cơ bản đối với các tài nguyên địa chất.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật; thống nhất nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về tầm quan trọng của tài nguyên địa chất, khoáng sản, về vai trò, vị trí của ngành Địa chất và công nghiệp khai khoáng. Việc quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản phải bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, trên cơ sở áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, kết hợp hài hòa với bảo tồn, dự trữ cho tương lai.

- Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản, bảo vệ môi trường, sinh thái an toàn lao động trong hoạt động khoáng sản. Chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về địa chất, khoáng sản.

Rà soát, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh; tái đầu tư nguồn thu từ khai thác khoáng sản để đầu tư phát triển giáo dục, y tế, hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội... cho địa phương và người dân nơi khai thác khoáng sản; khuyến khích huy động nguồn vốn xã hội hóa đầu tư cho công tác điều tra, đánh giá khoáng sản.

Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lãng phí tài nguyên khoáng sản, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước; xác định đúng giá trị tài nguyên khoáng sản được khai thác; xây dựng quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phù hợp với điều kiện thực tiễn trên địa bàn tỉnh. Điều chỉnh kịp thời, hợp lý các loại thuế tài nguyên liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản trên địa bàn tỉnh, quản lý tập trung, thống nhất cơ sở dữ liệu trên địa bàn tỉnh về địa chất, khoáng sản kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về địa chất, khoáng sản phục vụ đa mục tiêu. Hoàn thiện hệ thống cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo quy định của trung ương; tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của địa phương, người dân nơi có khai thác khoáng sản.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xem xét trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trong quản lý, khai thác khoáng sản và các hoạt động liên quan đến địa chất khoáng sản, công nghiệp khai khoáng, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh.

                                                                               Thanh Tòng