(Ảnh minh họa, nguồn Báo điện tử Đảng cổng sản Việt Nam)

Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thu hút các nhà đầu tư, tạo việc làm cho lao động trên địa bàn; xây dựng tỉnh Cà Mau phát triển nhanh, bền vững.

Mục tiêu đến năm 2030: Phấn đấu thu hút khoảng 40 - 45% học sinh trung học cơ sở, học sinh trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Tuyển mới đào tạo nghề cho khoảng 28.000 người/năm; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 35% lực lượng lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%. Tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 90%. 100% trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng. Phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập đạt 50% vào năm 2030. Phấn đấu 100% nhà giáo đạt chuẩn; 90% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao các kỹ năng quản lý - quản trị hiện đại.

Tầm nhìn đến năm 2045: Giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao; trở thành địa phương phát triển về giáo dục nghề nghiệp trong khu vực, bắt kịp trình độ tiên tiến của một số nước có trình độ phát triển trong khu vực, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo trong nước và quốc tế.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp; là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài; khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm bền vững cho người lao động và thế hệ trẻ. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người học, gia đình và xã hội về ý nghĩa của việc học nghề, kỹ năng nghề trong tiếp cận việc làm, nâng cao thu nhập và cơ hội học tập suốt đời.

 Kịp thời thông tin, tuyên truyền, biểu dương các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân có thành tích, đóng góp cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề cho lao động trên địa bàn tỉnh. Nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác về giáo dục nghề nghiệp giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp, nhằm kết nối thị trường lao động, hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp; gắn kết đào tạo với việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tạo môi trường số kết nối, chia sẻ giữa cơ quan quản lý, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, gia đình, nhà giáo, người học. Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, gắn kết cung - cầu lao động với giáo dục nghề nghiệp.

Tăng cường công tác hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, thực hiện tốt việc phân luồng, tăng tỷ lệ học sinh sau trung học cơ sở vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; thực hiện vừa đào tạo nghề vừa dạy văn hóa tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, để học sinh tốt nghiệp vừa có bằng trung học phổ thông vừa có bằng nghề đảm bảo chất lượng, có điều kiện tham gia thị trường lao động và cơ hội tiếp tục học tập, nâng cao trình độ. Đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên, công nhân, nông dân và người lao động thông qua các hình thức hỗ trợ phù hợp; ưu tiên đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên xung phong, người khuyết tật, hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số và các đối tượng yếu thế.

Thường xuyên đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, đảm bảo "học đi đôi với hành”; nâng cấp và chuẩn hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện đào tạo. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, người dạy nghề, chuyên gia cho các ngành, nghề trọng điểm; nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp theo hướng hiện đại, chất lượng cao. Đổi mới việc đánh giá kiến thức, kỹ năng của người học, người lao động; phát triển hệ thống đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

 Tăng cường nguồn lực, ưu tiên ngân sách nhà nước cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp trong tổng chi ngân sách tỉnh cho giáo dục - đào tạo, tương xứng với vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao, các ngành, nghề trọng điểm, mũi nhọn. Chuyển mạnh cơ chế cấp phát ngân sách sang đặt hàng, giao nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác công - tư nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nhiều nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực mà khu vực ngoài công lập có thể tham gia. Bảo đảm chính sách bình đẳng đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và ngoài công lập.

Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về giáo dục nghề nghiệp; tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hợp tác đào tạo, chuyên gia, nhà giáo, người học với các nước, các tổ chức quốc tế phù hợp với chương trình hợp tác giáo dục nghề nghiệp của quốc gia; đẩy mạnh triển khai các thỏa thuận, chương trình hợp tác với đối tác quốc tế, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam trong việc hỗ trợ cơ sở giáo dục nghề nghiệp, học sinh, sinh viên nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Tích cực tham gia các cuộc thi, tổ chức, diễn đàn, hiệp hội khu vực, quốc tế về giáo dục nghề nghiệp.

                                                         Thanh Tòng