(Ảnh minh họa, nguồn vtv.vn)

Theo đó, mục tiêu chung của Kế hoạch là đảm bảo sự chỉ đạo tập trung, thống nhất trong quản lý nhà nước về ứng phó khắc phục sự cố chất thải; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, ứng phó, khắc phục hậu quả kịp thời; phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương trong việc huy động, sử dụng các nguồn lực ứng phó, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố chất thải; Vận dụng, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả nhanh; xây dựng hệ thống tổ chức đủ năng lực ứng phó, khắc phục hậu quả, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về con người, kinh tế, xã hội và môi trường; Tăng cường trao đổi, hợp tác quốc tế về cảnh báo sớm, phòng ngừa các sự cố chất thải xuyên biên giới.

Đồng thời, Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Kế hoạch cũng xác định rõ nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh), cụ thể như sau:

- Chủ trì, chỉ đạo, tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải; xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải cấp tỉnh theo quy định.

- Tổ chức quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh; phân công trách nhiệm quản lý cho cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường và phân cấp quản lý cho Ủy ban nhân dân cấp dưới về quản lý chất thải theo quy định; quy định giá cụ thể được tính đúng, tính đủ đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải; ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển và đầu tư cơ sở xử lý chất thải phù hợp với đặc thù và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý chất thải trên địa bàn.

- Tổ chức thực hiện chương trình quan trắc chất lượng môi trường trên địa bàn quản lý và có trách nhiệm công khai thông tin cho cộng đồng theo các hình thức về công khai thông tin; làm tốt công tác truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, phổ biến kiến thức phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải tại địa phương.

- Xây dựng lực lượng ứng phó sự cố chất thải, bảo đảm nguồn nhân lực, phương tiện, trang thiết bị ứng phó sự cố và sẵn sàng tham gia ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn.

- Chỉ đạo, tổ chức và huy động các lực lượng có liên quan ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn; đánh giá, xác định thiệt hại, hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý, yêu cầu chủ cơ sở gây ra sự cố chất thải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật,

- Tổ chức tập huấn, huấn luyện và diễn tập về ứng phó sự cố chất thải tại địa phương (cho phép việc lồng ghép xây dựng kế hoạch, tập huấn, diễn tập ứng phó sự cố chất thải trong các kế hoạch khác của địa phương).

- Định kỳ (một năm một lần) sơ kết, tổng kết đánh giá công tác quản lý, phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải báo cáo về Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành./.

 

Kim Kha