(Ảnh minh họa, nguồn vtv.vn)

Theo Kế hoạch, nông nghiệp, nông thôn phát triển nhanh, toàn diện và bền vững trên cơ sở cơ cấu lại ngành nông nghiệp cho phù hợp yêu cầu và điều kiện của tỉnh. Phát triển nông nghiệp hiện đại, thông minh, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nông thôn được phát triển toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, an ninh, trật tự được đảm bảo. Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Mục tiêu cụ thể như sau:

- Đến năm 2025: Tốc độ tăng trưởng GRDP ngư, nông, lâm nghiệp đạt bình quân 5%/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông nghiệp đạt bình quân 3,5%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động ngư, nông, lâm nghiệp đạt từ 6,5 - 7%/năm.

Tỷ lệ giá trị sản phẩm ngư, nông, lâm nghiệp được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 20%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông sản được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương đạt trên 20%; tỷ trọng giá trị sản phẩm nông sản ứng dụng công nghệ cao đạt 25%; tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt trên 6%/năm; diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 1,5 - 2%; tốc độ tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu ngư, nông, lâm nghiệp đạt từ 8 - 10%/năm.

Tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm còn 40%; tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt 60%; hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả trên 60%; thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

Tỷ lệ che phủ rừng và cây phân tán đạt 27%; tỷ lệ diện tích rừng sản xuất được quản lý bền vững có xác nhận đạt 10%.

- Đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng GRDP ngư, nông, lâm nghiệp duy trì 5%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động ngư, nông, lâm nghiệp đạt bình quân từ 6,5 - 7%/năm.

Mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu ngư, nông, lâm nghiệp đạt bình quân từ 8 - 10%/năm.

Nâng cao thu nhập người dân, giảm nghèo bền vừng. Thu nhập của cư dân nông thôn đạt 2,5 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 0,5%/năm.

Tỷ trọng lao động khu vực ngư, nông, lâm nghiệp giảm còn 20%, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 60%.

Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt trên 90%, trong đó có 50% đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có từ 70% số đơn vị cấp huyện trở lên đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 35% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Tỷ lệ che phủ rừng và cây phân tán đạt 27%; tỷ lệ diện tích rừng sản xuất được quản lý bền vững có xác nhận đạt 15%.

- Tầm nhìn đến năm 2050: Nông nghiệp, nông thôn tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường; đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân khu vực nông thôn tiếp tục được cải thiện, nâng cao; nguồn tài nguyên thiên nhiên được quản lý, khai thác hợp lý, hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; phấn đấu thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tương đương bình quân chung của cả nước.

Về giải pháp chính cần tập trung thực hiện như sau:

- Đổi mới tư duy, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, thống nhất nhận thức và hành động: Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn phát triển mới, về cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

- Đổi mới tổ chức sản xuất và phát triển chuỗi giá trị: Đẩy mạnh đổi mới và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã. Chuyển mô hình sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, thiếu liên kết, chủ yếu ở quy mô hộ sang mô hình sản xuất quy mô lớn, tập trung theo quy mô trang trại, hợp tác xã.

- Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn: Phát triển hệ thống thủy lợi đảm bảo chủ động cấp nước cho diện tích trồng lúa 2 vụ, diện tích các cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao, nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, tăng cường đầu tư các công trình thủy lợi phục vụ vùng khó khăn về nguồn nước, các công trình ngăn mặn, chống sạt lở...

- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, phát triển chế biến ngư, nông, lâm nghiệp.

- Đẩy mạnh công tác quản lý, sản xuất giống: Rà soát quy hoạch sản xuất giống trên cơ sở sắp xếp lại các cơ sở hiện có theo hướng an toàn sinh học, sản xuất các đối tượng giống có chất lượng cao.

- Thúc đẩy phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản; phát triển công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistic.

- Phát triển nguồn nhân lực: Xây dựng Chương trình đào tạo nông dân chuyên nghiệp, chuyển đổi lao động nông nghiệp và tạo việc làm; chương trình đào tạo, thu hút chuyên gia, trí thức trẻ về nông thôn, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp sáng tạo tại địa phương.

- Nâng cao năng lực quản lý tài nguyên, môi trường, phòng chống thiên tai: Xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống quan trắc, thông tin trực quan hỗ trợ điều hành, vận hành tối ưu các hệ thống thủy lợi; theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp; tình hình sạt lở ven sông, ven biển đê thích ứng với các thay đổi của tự nhiên, chủ động ứng phó với biến đối khí hậu.

- Rà soát, cụ thể hóa và thực thi cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nông nghiệp thích ứng theo tự nhiên, hội nhập quốc tế.

- Tăng cường liên kết vùng, tiểu vùng: Đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng, tiêu vùng trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu.

- Tăng cường năng lực hội nhập quốc tế; khai thác tốt tiềm năng thị trường từ các hiệp định thương mại tự do và các cam kết quốc tế đã ký kết.

- Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Triển khai thực hiện các Chưong trình, kế hoạch, đề án ưu tiên thực hiện giai đoạn 2021 – 2030./.

Bài: Kim Kha