1. Thêm chủ thể của hoạt động thương mại điện tử là dịch vụ logistic, theo khoản 6, Điều 1 Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi khoản 5, Điều 24 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP: “Các thương nhân, tổ chức cung cấp hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ logistics và các dịch vụ hỗ trợ khác cho hoạt động thương mại điện tử”. Như vậy, thương nhân cung cấp dịch vụ logistics chính thức được công nhận là chủ thể của hoạt động thương mại điện tử.

2. Bắt buộc công bố về chính sách kiểm hàng trên website thương mại điện tử, theo khoản 13, Điều 1 Nghị định số 85/2021/NĐ-CP thì tất cả các website thương mại điện tử phải công bố về chính sách kiểm hàng; chính sách hoàn trả, bao gồm thời hạn hoàn trả, phương thức trả hoặc đổi hàng đã mua, cách thức lấy lại tiền, chi phí cho việc hoàn trả này; chính sách kiểm hàng khi người dùng mua sản phẩm bắt buộc phải được thể hiện rõ ràng ở trên website thương mại điện tử đó. Nội dung này chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 theo Nghị định số 85/2021/NĐ-CP.

3. Facebook, Zalo, Instagram... trở thành website thương mại điện tử, tại khoản 15, Điều 1 Nghị định số 85/2021/NĐ-CP quy định các hình thức hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử sau khi được sửa đổi, bổ sung gồm:

- Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ.

- Website cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng với khách hàng.

- Website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ.

- Mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động quy định tại các mục nêu trên và người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí cho việc thực hiện các hoạt động đó từ ngày 01/01/2022. Bên cạnh hình thức hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử thông qua website như trước đây, thương nhân, tổ chức còn được thực hiện hoạt động thương mại điện tử thông qua các mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Instagram... người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp các hoạt động mua bán phải trả phí và thực hiện đăng ký theo quy định.

4. Đăng ký thiết lập website thương mại điện tử chỉ cần nộp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh bản sao: Trước đây, hồ sơ đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử yêu cầu phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy phép đầu tư (đối với thương nhân).
Tuy nhiên, theo Nghị định số 85/2021/NĐ-CP, liên quan đến giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thương nhân cần nộp một trong những loại giấy tờ sau:

- Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu quyết định thành lập (đối với tổ chức);

- Bản sao điện tử từ sổ gốc hoặc chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp (đối với thương nhân),

- Giấy phép kinh doanh (đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài). Như vậy, chỉ có giấy phép đăng ký kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài là yêu cầu phải nộp bản chính.

Nghị định số 85/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022./.

 

Hứa Nguyên