Mục tiêu của Đề án

Nhằm bảo đảm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật được tổ chức thi hành trên thực tế, phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành. Tăng cường áp dụng các biện pháp đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật trong công tác thi hành án dân sự nói chung, công tác thi hành án kinh doanh, thương mại nói riêng; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cản trở, chống đối, chây ỳ, không chấp hành bản án theo quy định của pháp luật.

Hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật theo hướng chú trọng chất lượng, đơn giản hóa trình tự, thủ tục, rút ngắn thời gian tổ chức thi hành án, giảm thiểu các chi phí do ngân sách nhà nước đảm bảo hoặc do cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nộp trong quá trình tổ chức thi hành án.

Công khai, minh bạch quy trình tổ chức thi hành án, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, giám sát của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác thi hành án dân sự.

Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên được xác định trong bản án, quyết định về kinh doanh, thương mại.

Phấn đấu nâng tỷ lệ thi hành án xong đối với các bản án, quyết định kinh doanh, thương mại trên tổng số án có điều kiện thi hành năm sau cao hơn năm trước góp phần đảm bảo hoàn thành và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ Quốc hội giao theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án.

Phạm vi Đề án:

Đề án tập trung nghiên cứu về thực trạng, kết quả công tác thi hành án dân sự đối với các bản án kinh doanh thương mại trong thời gian qua, trong đó tập trung vào đánh giá kết quả 05 năm (2017 - 2021), đề ra các giải pháp cụ thể, khả thi nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống cơ quan thi hành án dân sự từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành các bản án, quyết định kinh doanh thương mại theo Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27 tháng 4 năm 2020 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị.

Thời gian thực hiện Đề án: Từ năm 2023 đến năm 2028.

Đề án được triển khai thực hiện trong phạm vi cả nước, áp dụng đối với công tác thi hành án dân sự, trong đó đặt trọng tâm thi hành các bản án, quyết định kinh doanh thương mại. Các bản án, quyết định kinh doanh thương mại bao gồm:  Bản án, quyết định của Tòa án có thẩm quyền ban hành để giải quyết những tranh chấp hoặc yêu cầu về kinh doanh thương mại theo quy định tại Điều 30, Điều 31 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;  Phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại; Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh mà sau 15 ngày kể từ ngày có hiệu lực pháp luật đương sự không tự nguyện thi hành, không khởi kiện tại Tòa án.

Trách nhiệm thực hiện Đề án của Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh: Thủ tướng Chính phủ đề nghị tiếp tục chỉ đạo công tác thi hành án dân sự tại địa phương, xác định công tác thi hành án dân sự là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương; quan tâm chỉ đạo cơ quan thi hành án dân sự, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp huyện tập trung tổ chức thi hành những vụ việc kinh doanh thương mại có giá trị lớn, có khó khăn, phức tạp; chỉ đạo các sở, ban, ngành chuyên môn thực hiện tốt công tác phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự, nhất là trong công tác cưỡng chế thi hành án, công tác xác minh điều kiện thi hành án... Căn cứ điều kiện thực tiễn địa phương bố trí kinh phí và ngân sách thực hiện nhiệm vụ của Đề án; khi kết thúc Đề án chuyển giao kết quả thực hiện về Bộ Tư pháp để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

Ngọc Phạm