Ý thức được vấn đề này, thời gian qua, Sở Tư pháp - Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp (PBGDPL) tỉnh Cà Mau đã tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến trong hành động của các cấp, các ngành và các thành phần xã hội về bình đẳng giới.

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác PBGDPL, hàng năm, Sở Tư pháp ban hành và tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều Chương trình, Kế hoạch triển khai thực hiện các hoạt động PBGDPL về bình đẳng giới. Trong đó, luôn bám sát phương châm hướng về cơ sở, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về bình đẳng giới trong cán bộ, Nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh.

Nhằm tiếp tục phổ biến sâu rộng những quy định của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (gọi tắt là: Công ước ICCPR), các quyền dân sự, chính trị được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật do Quốc hội ban hành cho cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết, từ đó tích cực, chủ động thực hiện đầy đủ, hiệu quả các quyền dân sự, chính trị của con người và công dân, Sở Tư pháp xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án và hướng tới đối tượng là tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, Trưởng ấp, Tổ trưởng tổ hòa giải, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Để nội dung tuyên truyền đạt hiệu quả, đáp ứng đúng yêu cầu thực tế tại cơ sở, Sở Tư pháp đã phối hợp với Phòng Tư pháp các huyện: U Minh, Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển, Cái Nước thực hiện khảo sát nhu cầu PBGDPL tại địa phương, Qua đó, các huyện đặt hàng Sở Tư pháp mở các lớp tuyên truyền về Bình đẳng giới.

Với vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp chỉ đạo các bộ phận chuyên môn trực thuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm và hành động trong phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả tội phạm mua bán người, nhất là phụ nữ và trẻ em. Trong đó, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Cà Mau có trách nhiệm rà soát tổng thể các quy định của pháp luật có liên quan đến trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán người, trong đó có Luật Phòng, chống mua bán người để đề xuất sửa đổi cho phù hợp với Luật Trợ giúp pháp lý; Hướng dẫn, chỉ đạo công tác trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người và Luật Trợ giúp pháp lý nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của phụ nữ và trẻ em gái.

Để tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác phòng, chống mua bán người nói chung và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về nói riêng; giảm nguy cơ bị mua bán và mua bán trở lại; nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; đảm bảo sự bình đẳng và tăng tỷ lệ nạn nhân bị mua bán được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ hỗ trợ và hòa nhập cộng đồng bền vững. Hàng năm Sở Tư pháp sẽ lồng ghép tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về hỗ trợ nạn nhân bị mua bán nhằm nâng cao nhận thức trong các cơ quan, tổ chức, người dân nhất là nhóm đối tượng có nguy cơ cao và nạn nhân bị mua bán trở về; Nhận diện, cảnh giác trước các âm mưu, thủ đoạn của tội phạm mua bán người; Phổ biến chính sách, pháp luật, chế độ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; Nhân rộng, điển hình các mô hình hỗ trợ nạn nhân có hiệu quả… thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin hoạt động tuyên truyền; Tăng cường truyền thông về các nội dung liên quan đến mua bán người trong nước, mua bán người vì mục đích cưỡng bức lao động, mua bán nội tạng, mang thai hộ vì mục đích thương mại. Đặc biệt, hoạt động tuyên truyền, phổ biến cần hướng mạnh về cơ sở, ưu tiên vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thực hiện quy định về bảo đảm bình đẳng giới trong trợ giúp pháp lý theo Thông tư số 11/2014/BTP ngày 17/4/2021 của Bộ Tư pháp, trong 6 tháng đầu năm nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Cà Mau (Trung tâm) đã phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương tổ chức được 03 buổi truyền thông, có gần 200 người tham dự (125 nữ), trong đó lồng ghép triển khai quy định về đảm bảo bình đẳng giới trong công tác Trợ giúp pháp lý. Ngoài ra, Trung tâm còn thực hiện trợ giúp pháp lý 593 vụ việc, trong đó có 237 người là phụ nữ và trẻ em gái. Cụ thể, tư vấn pháp luật 334 vụ (116 nữ), tham gia tố tụng 254 vụ (120 nữ), đại diện ngoài tố tụng 05 vụ (01 nữ). Phụ nữ và trẻ gái được trợ giúp từ đầu năm đến nay đa phần là nạn của các vụ xâm hại tình dục, phụ nữ người dân tộc thiểu số, phụ nữ nghèo, phụ nữ là người khuyết tật khó khăn về tài chính…

Bên cạnh đó, để chủ động chuyển đổi hình thức tuyên truyền phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến khó lường, Sở Tư pháp thực hiện nhân bản, in ấn và phát hành 15.000 tờ gấp có nội dung “Tìm hiểu một số quy định về bình đẳng giới và các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình” đến cán bộ, hội viên và Nhân dân trong tỉnh.

Qua hoạt động tuyên truyền sâu rộng các quy định của pháp luật về bình đẳng giới, Sở Tư pháp - Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh Cà Mau  đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn tỉnh Cà Mau, tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Phú Toàn