Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, ngày 01/72021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (Nghị quyết). Nghị quyết được kỳ vọng sẽ góp phần đảm bảo an sinh xã hội, kịp thời chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp và người lao động.

Người bán vé số dạo sẽ được hỗ trợ mức 1,5 triệu đồng/người.

Nghị quyết đề ra 12 chính sách hỗ trợ người lao động, người chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tổng giá trị của gói hỗ trợ khoảng 26.000 tỉ đồng cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau. 

Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, ngày 12/7/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã ban hành Kế hoạch số 97/KH-UBND về việc thực hiện hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết này trên địa bàn toàn tỉnh. Để triển khai kế hoạch kịp thời, đảm bảo nguyên tắc, công khai, minh bạch, đúng quy định, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, tổ chức và thiết lập đường dây nóng nhằm kịp thời hướng dẫn, giải đáp các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19. 

Sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống

Kế hoạch số 97/KH-UBND đã cụ thể hóa 12 nội dung hỗ trợ của Nghị quyết thành 11 nhóm đối tượng phù hợp với điều kiện của tỉnh Cà Mau bị tác động bởi dịch bệnh để thực hiện hỗ trợ nhằm góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động. 11 nội dung hỗ trợ của tỉnh Cà Mau gồm:

1. Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

2. Hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất;

3. Hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động;

4. Hỗ trợ người lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương;

5. Hỗ trợ người lao động ngừng việc;

6. Hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng không đủ điều kiện hưởng chính sách trợ cấp thất nghiệp;

7. Hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế;

8. Hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch;

9. Hỗ trợ hộ kinh doanh;

10. Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất

11. Đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác.

So với gói hỗ trợ của Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Nghị quyết lần này đã bổ sung thêm các đối tượng như: hỗ trợ trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế; hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Việc mở rộng phạm vi, hình thức, đối tượng được hỗ trợ là minh chứng cụ thể nhất cho quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước là “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch.

Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng có ý nghĩa lớn trong việc đảm bảo an sinh, góp phần giữ ổn định trật tự xã hội. Để chính sách này được triển khai kịp thời và trở thành “phao cứu sinh” cho người lao động và doanh nghiệp đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tỉnh Cà Mau đang thực hiện nhanh việc thẩm định đối tượng, giải quyết các thủ tục một cách nhanh chóng, tránh nhầm lẫn hoặc bỏ sót đối tượng, phát huy đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. 

Trong 12 nội dung hỗ trợ theo Nghị quyết 68 có 07 nội dung liên quan đến hỗ trợ trực tiếp tiền mặt cho các đối tượng là: lao động mất việc, ngừng việc; F0, F1; trẻ em; viên chức hoạt động nghệ thuật; hướng dẫn viên du lịch và hộ kinh doanh. Tỉnh xác định đây là khoản hỗ trợ cần được thực hiện ngay, hoàn thành sớm nhất, kịp thời giúp họ tháo gỡ khó khăn trước mắt. Theo Sở Lao động, Thương và Xã hội, tính đến ngày 05/8/2021, tỉnh Cà Mau đã hỗ trợ bước đầu cho người dân gặp khó khăn trên địa bàn tỉnh với kinh phí hơn 13,3 tỷ đồng, trong đó chi hỗ trợ đợt 1 cho người bán vé số lưu động gần 2,5 tỷ đồng với hơn 3.200 đối tượng; 16 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; 23 người hoạt động nghệ thuật. Tỉnh cũng đã hỗ trợ bước đầu cho hơn 270 hộ kinh doanh có đủ điều kiện tại các huyện Trần Văn Thời, Năm Căn, Ngọc Hiển, Cái Nước, Phú Tân, Đầm Dơi, Thới Bình, U Minh và thành phố Cà Mau, mỗi hộ được hỗ trợ 3 triệu đồng. Là một trong những hộ kinh doanh được hưởng trợ cấp từ gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ, ông Đoàn Anh Tuấn, ngụ khóm 7, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, phấn khởi: “Tình hình dịch bệnh như thế này rất là khó khăn đối với hộ kinh doanh như gia đình chúng tôi. Nhưng được sự quan tâm kịp thời của Đảng, nhà nước và chính quyền địa phương ở đây thì chúng tôi được hỗ trợ như thế này rất là quý, rất là kịp thời”.

Riêng cơ quan Bảo hiểm Xã hội tỉnh có trách nhiệm rà soát hỗ trợ đối tượng là người lao động, đơn vị sử dụng lao động được hưởng chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.720 cơ sở sản xuất kinh doanh tương đương với gần 37.000 lao động thuộc diện được hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đơn vị sẽ giải quyết kịp thời, nhanh chóng và phổ biến rộng rãi đến đúng đối tượng được thụ hưởng. Ông Trịnh Trung Kiên, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Cà Mau cho biết thêm:BHXH tỉnh có văn bản gởi đến các doanh nghiệp trong tỉnh về quy trình, thủ tục để thực hiện các chính sách này. Sau đó, BHXH cũng đã thông báo đến 1.720 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh về việc giảm mức đống vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với tổng số tiền được giảm trong 12 tháng là 12,4 tỷ đồng”.

Ngoài ra, các sở, ban, ngành tỉnh, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đang tiếp tục rà soát, tiếp nhận và phê duyệt đề nghị hỗ trợ cho các trường hợp phát sinh nhằm tạo điều kiện tối đa giúp các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh được thụ hưởng chính sách trong thời gian sớm nhất.

Tiếp sức cho lao động nghèo

Dịch Covid-19 kéo dài khiến cuộc sống của người nghèo, lao động tự do càng thêm khó khăn. Do đó, sự hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời từ gói 26.000 tỷ đồng của Nhà nước đến tay người dân lúc này là vô cùng ý nghĩa. Là lao động chính trong gia đình, thu nhập của ông Nguyễn Thành Yên ở Phường 1, thành phố Cà Mau chủ yếu dựa vào số tiền bán vé số dạo. Thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid 19, ông Yên phải tạm ngưng công việc này. Từ đó, cuộc sống thường ngày của gia đình ông đã khó khăn nay càng thêm chật vật. Được nhà nước hỗ trợ 750 ngàn đồng trong những ngày này là sự tiếp sức ý nghĩa, thiết thực đối với gia đình ông. Ông Yên chia sẻ: “Trong lúc khó khăn này được Nhà nước hỗ trợ số tiền này đã giúp gia đình tôi phần nào giảm bớt khó khăn, có tiền mua thức ăn và yên tâm ở nhà chống dịch theo chỉ đạo của tỉnh”.

Cũng là người bán vé số dạo như ông Yên, bà Lê Thị Hồng ở Phường 8, thành phố Cà Mau cũng gặp nhiều khó khăn. Bình thường bà Hồng đi bán vé số, còn chồng bà chạy xe ôm, thu nhập cũng được vài trăm ngàn mỗi ngày, tạm đủ chi tiêu trong gia đình. Nhưng từ khi thực hiện giãn cách đến nay thì cả hai vợ chồng đều không có việc gì để làm cuộc sống lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau. Vì vậy khi nhận được số tiền hỗ trợ bà Hồng phấn khởi chia sẻ: Có lệnh giãn cách xã hội nên tôi thất nghiệp, cuộc sống của hai vợ chồng khó khăn lắm. Có sự hỗ trợ này là rất kịp thời. Vợ chồng tôi sẽ cố gắng tiết kiệm để số tiền này đủ trang trãi trong thời gian giãn cách”.

Trong các đối tượng được nhận gói hỗ trợ thì phần lớn người lao động tự do nghèo là đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương nhất, nhưng lại khó tiếp cận kịp thời và đầy đủ gói cứu trợ. Vì vậy, để chính sách nhân văn của Chính phủ kịp thời đến với người dân, đòi hỏi trách nhiệm của các cơ quan chức năng, nhất là chính quyền địa phương trong việc thông tin, lập danh sách kịp thời, đúng đối tượng, tạo mọi thuận lợi để người lao động được tiếp cận, không để sót đối tượng. Ông Từ Hoàng Ân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau khẳng định: Chúng tôi sẽ thực hiện không tính thời gian, ban ngày cũng như ban đêm, thậm chí là ngày nghỉ hàng tuần để làm sao chính sách của Trung ương, của tỉnh sớm đến với người dân lao động và người sử dụng lao động”.

Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng được UBND tỉnh triển khai nhanh trong bối cảnh toàn tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ để chống dịch, đã thể hiện quyết tâm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đảm bảo các chính sách hỗ trợ thiết thực của Chính phủ đến đúng đối tượng thụ hưởng được nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Nghị quyết số 68/NQ-CP như một “cánh cửa” mở ra đúng lúc, đúng thời điểm để người lao động và người sử dụng lao động có được những cơ hội vượt qua khó khăn do đại dịch. Để gói hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng, không để bỏ sót đối tượng, hạn chế đến mức thấp nhất độ trì trệ trong việc thực hiện chính sách, cần sự quyết tâm nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương trong quá trình thực hiện. Và đặc biệt là sự giám sát của các cơ quan ban ngành, tổ chức đoàn thể và của chính những người được thụ hưởng./.

Phú Toàn