Trong đó có bổ sung mở rộng hơn một số quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của người sử dụng lao động so với quy định của Bộ luật lao động năm 2012, nhằm đảm bảo sự linh hoạt trong việc sử dụng lao động, cụ thể:

Một là, người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Bộ luật Lao động năm 2019 đã cho phép người sử dụng lao động được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với người lao động khi họ đến tuổi nghỉ hưu. Khác với Bộ luật Lao động năm 2012, việc người lao động đủ tuổi nghỉ hưu và đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội không còn là trường hợp đương nhiên chấm dứt HĐLĐ mà sẽ tùy thuộc vào phía người lao động cũng như người sử dụng lao động có muốn tiếp tục quan hệ lao động hay không? Nếu trường hợp không muốn tiếp tục quan hệ lao động thì một trong hai bên đều có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Có thể thấy, trường hợp chấm dứt HĐLĐ không yêu cầu điều kiện về người lao động phải đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì mới phát sinh quyền chấm dứt HĐLĐ.

Hai là, người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên. Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Còn theo Bộ luật Lao động năm 2012, người sử dụng lao động muốn chấm dứt quan hệ với người lao động trong trường hợp nói trên chỉ có thể áp dụng hình thức kỷ luật sa thải. Có thể thấy, việc tự ý bỏ việc 05 ngày làm việc liên tục là một vi phạm nghiêm trọng và thông thường trong trường hợp này người sử dụng lao động khó liên lạc được với người lao động để thực hiện các thủ tục xử lý kỷ luật sa thải. Mặt khác, trình tự thủ tục để áp dụng xử lý kỷ luật sa thải rất chặt chẽ và mất nhiều thời gian để thực hiện. Bộ luật Lao động năm 2019 cho phép người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ là hợp lý, đảm bảo sự nhanh gọn, hạn chế được những thủ tục không cần thiết.

Ba là, người lao động cung cấp không trung thực thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Bộ luật này khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động. Đây là một trong những căn cứ được bổ sung để người sử dụng lao động chấm dứt HĐLĐ đối với người lao động. Một trong những nguyên tắc của việc giao kết HĐLĐ là đòi hỏi các bên phải trung thực trong việc cung cấp các thông tin khi giao kết HĐLĐ. Việc cung cấp thông tin khi giao kết HĐLĐ được coi là nghĩa vụ của các bên khi giao kết HĐLĐ. Do đó, nếu người lao động cung cấp thông tin không trung thực (Ví dụ: Cung cấp bằng cấp chuyên môn giả) ảnh hưởng đến việc tuyển dụng của người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động có thể được áp dụng quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ.

Ngoài ra, cần lưu ý, để đảm bảo tính hợp pháp khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ thì các bên phải tuân thủ thời hạn báo trước theo đúng quy định. Trong đó đáng chú ý nhất là quy định thời hạn báo trước cho những công việc, ngành, nghề đặc thù đã được hướng dẫn tại Điều 7 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một sô điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động quy định như sau: Ngành, nghề, công việc đặc thù và thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại điểm d khoản 1 Điều 35 và điểm d khoản 2 Điều 36 của Bộ luật Lao động gồm: (a) Thành viên tổ lái tàu bay; nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay, nhân viên sửa chữa chuyên ngành hàng không; nhân viên điều độ, khai thác bay; (b) Người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; (c) Thuyền viên thuộc thuyền bộ làm việc trên tàu Việt Nam đang hoạt động ở nước ngoài; thuyền viên được doanh nghiệp Việt Nam cho thuê lại làm việc trên tàu biển nước ngoài.

Tóm lại, người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động chỉ được coi là hợp pháp khi đảm bảo hai điều kiện là người sử dụng lao động khi chấm dứt phải có căn cứ (lý do) và không vi phạm những thủ tục chấm dứt do pháp luật quy định. Bộ luật Lao động năm 2019 sửa đổi, bổ sung một số quy định về quyền đơn phường chấm dứt HĐLĐ của người sử dụng lao động là nhằm đáp ứng các nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động Việt Nam và tính linh hoạt, chủ động cho các bên khi tham gia quan hệ lao động./.

Phú Toàn