1. Các loại báo cáo gồm: Báo cáo định kỳ là báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện hằng quý, 6 tháng, 9 tháng và hằng năm; Báo cáo chuyên đề là báo cáo để đáp ứng yêu cầu thông tin có tính chuyên sâu về một chủ đề thuộc lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện một hoặc nhiều lần trong một khoảng thời gian nhất định; Báo cáo đột xuất là báo cáo để đáp ứng yêu cầu thông tin về vấn đề phát sinh bất thường trong các lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện theo yêu cầu của cơ quan cấp trên hoặc của Thanh tra Chính phủ.

2. Đối với báo cáo định kỳ gồm Báo cáo Quý, 6 tháng, 9 tháng và hằng năm. Trong trường hợp cần thiết, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo bổ sung nội dung tổng hợp chuyên sâu về kết quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thuộc phạm vi trách nhiệm của mình gửi Thanh tra Chính phủ.

- Báo cáo chuyên đề: Báo cáo chuyên đề về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo hằng năm về tình hình, kết quả, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong kỳ báo cáo, dự báo tình hình và phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu triển khai trong kỳ báo cáo tiếp theo.  Báo cáo chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hằng năm về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ, đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong kỳ báo cáo, phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu triển khai trong kỳ báo cáo tiếp theo.

- Báo cáo đột xuất: Khi Thanh tra Chính phủ có yêu cầu báo cáo đột xuất trong lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm báo cáo theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ. Khi cơ quan, tổ chức, đơn vị phát hiện những vấn đề đột xuất, có tính chất phức tạp trong lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực liên quan trực tiếp tới chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thì có trách nhiệm báo cáo kịp thời cho cơ quan thanh tra cấp trên và Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để được chỉ đạo, phối hợp xử lý.

- Về ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chế độ báo cáo: Thanh tra Chính phủ xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thông tin báo cáo điện tử của ngành Thanh tra; đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, an toàn, an ninh thông tin phục vụ xây dựng, vận hành hệ thống thông tin báo cáo, chia sẻ dữ liệu theo các quy định của pháp luật. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai, sử dụng có hiệu quả hệ thống báo cáo điện tử của ngành Thanh tra. Trường hợp cần thiết, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ động xây dựng hệ thống thông tin báo cáo điện tử đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của mình và chế độ báo cáo của Thanh tra Chính phủ.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 3 năm 2024.

Duy Linh