(Ảnh minh hoạ, nguồn wwwbaochinhphu.vn)

* Thêm đối tượng phải bồi thường thiệt hại

Tại Điều 34, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 bổ sung thêm đối tượng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp sản phẩm, hàng hoá có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người tiêu dùng kể cả khi không biết/không có lỗi. Cụ thể, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dưới đây:

- Sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hoá.

- Gắn tên thương mại lên sản phẩm, hàng hoá hoặc dùng nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại khác cho phép nhận biết đó là bên sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, hàng hoá.

- Bên hoạt động trung gian thương mại với sản phẩm, hàng hoá. Trong đó, căn cứ Chương V Luật Thương mại năm 2005, các hoạt động trung gian thương mại gồm đại diện cho thương nhân, môi giới thương mại, uỷ thác mua bán hàng hoá, đại lý thương mại…

- Bên trực tiếp cung cấp hàng hoá, sản phẩm cho người tiêu dùng.

- Tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Nếu không xác định được các đối tượng còn lại thì bên trực tiếp cung cấp sản phẩm, hàng hoá cho người tiêu dùng phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng trừ trường hợp luật có quy định khác.

Nếu nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh ở trên cùng gây thiệt hại thì các bên phải liên đới chịu bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng. Việc bồi thường thực hiện theo thoả thuận và được quy định theo pháp luật về dân sự và quy định khác.

Như vậy, so với quy định tại Điều 23 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Luật mới đã bổ sung thêm 02 đối tượng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu sản phẩm, hàng hoá bị lỗi, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng thậm chí gây thiệt hại cho người tiêu dùng là:

- Bên hoạt động trung gian thương mại.

- Cá nhân, tổ chức khác có liên quan theo quy định.

* Thêm trường hợp được miễn bồi thường thiệt hại

Tại Điều 35 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã bổ sung thêm trường hợp miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại gồm:

- Khi chứng minh được không thể phát hiện được sản phẩm, hàng hoá bị lỗi với trình độ khoa học, công nghệ của thế giới tính đến thời điểm sản phẩm, hàng hoá gây thiệt hại.

- Đã áp dụng mọi biện pháp thương lượng, hoà giải và đã được người tiêu dùng tiếp nhận đầy đủ thông tin nhưng vẫn cố tình sử dụng sản phẩm, hàng hoá bị lỗi và gây ra thiệt hại.

- Trường hợp khác.

Trong khi đó, tại Luật cũ chỉ quy định một trường hợp duy nhất là khi chứng minh được hàng lỗi này không thể phát hiện với trình độ khoa học, kỹ thuật tại thời điểm hàng hoá được cung cấp đến tay người tiêu dùng./.

 

Hoàng Lộc