(Ảnh minh họa - nguồn baochinhphu.vn)

Theo đó, Thông tư này ban hành kèm theo 37 quy trình giám định pháp y (quy định tại Phụ lục 1); 18 biểu mẫu văn bản ghi nhận quá trình thực hiện giám định pháp y (quy định tại Phụ lục 2) và 36 biểu mẫu kết luận giám định pháp y (quy định tại Phụ lục 3).

Về thời hạn giám định pháp y, Thông tu quy định: Đối với các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định được thực hiện theo quy định Bộ luật Tố tụng hình sự. Đối với các trường hợp khác được thực hiện như sau:

- Không quá 09 ngày đối với các trường hợp giám định xâm hại tình dục, hành hạ ngược đãi, xác định giới tính, sự có thai, khả năng tình dục nam và không quá 18 ngày đối với trường hợp phải hội chẩn;

- Không quá 20 ngày đối với các trường hợp giám định độc chất, mô bệnh học, ADN và không quá 01 tháng đối với trường hợp phải hội chẩn;

- Đối với các trường hợp không thuộc quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều này, thời hạn giám định thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 26a Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Nguyên tắc tính thời hạn giám định, gia hạn thời hạn giám định pháp y và giải quyết vướng mắc trong trường hợp có vấn đề phát sinh hoặc có cơ sở cho rằng vụ việc giám định không thể hoàn thành đúng thời hạn giám định thực hiện theo quy định tại Điều 26a Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Ngoài ra, Thông tư quy định số lượng người thực hiện giám định như sau:

- Giám định lần đầu: 02 giám định viên và 02 người giúp việc;

- Giám định lại: 03 giám định viên và 02 đến 03 người giúp việc;

- Giám định lại lần thứ hai hoặc giám định lại trong trường hợp đặc biệt: Tối thiểu có 03 giám định viên và 03 người giúp việc.

- Trong trường hợp thiên tai, thảm họa và các tình huống khấn cấp có nhiều đối tượng cần giám định pháp y, thủ trưởng tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y căn cứ vào nhân lực của đơn vị để phân công và phối hợp với các đơn vị thực hiện giám định khác, bảo đảm về tiến độ, nhân lực, thời hạn giám định.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2023. Thông tư số 47/2013/TT-BYT ngày 31/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy trình giám định pháp y hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

Trường hợp đã giám định lần đầu trước ngày Thông tư này có hiệu lực, thì các lần giám định lại (nếu có), bao gồm cả trường hợp trưng cầu, yêu cầu sau thời điểm Thông tư này có hiệu lực áp dụng theo quy định của Thông tư số 47/2013/TT-BYT ngày 31/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế./.

 

Hoàng Lộc