(Ảnh minh họa)

Thông tư này quy định về công tác y tế trường học trong cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp (gọi tắt là: cơ sở giáo dục), bao gồm: Chăm sóc sức khỏe học sinh, sinh viên, học viên (gọi là người học), truyền thông, giáo dục sức khỏe, bảo đảm vệ sinh trường học, an toàn thực phẩm, yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân viên y tế trường học.

Theo đó, công tác y tế trường học bao gồm: Chăm sóc sức khỏe người học; Truyền thông, giáo dục sức khỏe; Bảo đảm vệ sinh trường học; Bảo đảm an toàn thực phẩm; Yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân viên y tế trường học.

Trong đó, đáng chú ý là chăm sóc sức khỏe người học bao gồm các nhiệm vụ như: Thực hiện sơ cứu, cấp cứu cho người học theo quy định, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về khám bệnh, chữa bệnh khi phát sinh trường hợp cấp cứu trong thời gian học tập, sinh hoạt, thực hành tại cơ sở giáo dục. Tổ chức khám sức khỏe cho người học khi mới nhập học và định kỳ ít nhất một năm một lần trong mỗi năm học. Thực hiện theo dõi, kiểm tra sức khỏe người học, phát hiện các yếu tố nguy cơ sức khỏe, bệnh tật để dự phòng, điều trị hoặc chuyển tuyến điều trị theo quy định của pháp luật. Triển khai các biện pháp vệ sinh phòng, chống dịch bệnh trong cơ sở giáo dục. Tư vấn cho người học về các vấn đề liên quan đến bệnh tật, yếu tố nguy cơ sức khỏe, nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng hợp lý, phát triển thể chất, tinh thần và hoạt động thể lực. Hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống tai nạn, thương tích trong quá trình học tập, thực hành.

Đối với nội dung truyền thông, giáo dục sức khỏe bao gồm: Các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích; tăng cường hoạt động thể lực, dinh dưỡng hợp lý, lối sống lành mạnh; bệnh, tật học đường; phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm, HIV/AIDS, bệnh lây truyền qua đường tình dục; bệnh không lây nhiễm; phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia, ma túy, các chất gây nghiện và các nội dung khác về y tế.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân viên y tế trường học như: Cơ sở giáo dục bố trí phòng riêng ở vị trí thuận tiện cho công tác sơ cứu, cấp cứu và chăm sóc sức khỏe người học; có trang thiết bị tối thiểu gồm giường khám bệnh, tủ đựng trang thiết bị y tế, tủ đựng thuốc và một số thuốc thiết yếu phục vụ cho công tác sơ cấp cứu theo quy định của pháp luật.

Bộ Y tế giao trách nhiệm cho Cục Quản lý môi trường y tế chỉ đạo, phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện công tác y tế trường học theo quy định tại Thông tư này.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc tổ chức thực hiện công tác y tế trường học theo quy định tại Thông tư này trên địa bàn quản lý; chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc lập dự toán, thanh toán, quyết toán kinh phí bảo đảm công tác y tế trường học theo quy định của pháp luật; chỉ đạo kiểm tra, thanh tra việc thực hiện công tác y tế trường học trong các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2022. Thông tư liên tịch số 03/2000/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 01/3/2000 cua Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện công tác y tế trường học hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực./.

 

Đỗ Cẩm Lài