Tuy nhiên, song hành với sự phát triển của ngành này, các tổ chức và cá nhân tham gia vào hoạt động nuôi trồng thủy sản cần phải biết và tuân thủ các quyền và nghĩa vụ pháp lý để đảm bảo sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và an ninh xã hội. Những quy định này không chỉ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người nuôi mà còn góp phần vào quản lý chặt chẽ và nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và sự hài hòa giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường. Theo Điều 42 Luật thủy sản năm 2017 quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản:

Ảnh minh họa (nguồn: camau.gov.vn)

Tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản có quyền sau đây:

- Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi được giao đất, cho thuê đất để nuôi trồng thủy sản theo quy định tại Điều 43 của Luật thủy sản, quyết định giao quyền sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản theo quy định tại Điều 44 của Luật thủy sản;

- Được Nhà nước bảo vệ khi tổ chức, cá nhân khác xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp trong quá trình nuôi trồng thủy sản; được bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất, khu vực biển vì mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh trong thời hạn được giao quyền sử dụng đất, quyền sử dụng khu vực biển theo quy định của pháp luật;

- Được thông báo về tình hình môi trường, dịch bệnh vùng nuôi trồng thủy sản, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, thông tin về thị trường thủy sản;

- Được Nhà nước hỗ trợ khôi phục sản xuất trong trường hợp bị thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai theo quy định;

- Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản khi có yêu cầu.

Tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản có nghĩa vụ sau đây:

- Sử dụng diện tích đất, khu vực biển được giao đúng mục đích, ranh giới để nuôi trồng thủy sản và bảo vệ các công trình phục vụ chung cho nuôi trồng thủy sản;

- Thực hiện nghĩa vụ tài chính về sử dụng đất, khu vực biển để nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật;

- Thực hiện theo dõi, giám sát chỉ tiêu môi trường nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật;

- Tuân thủ quy định về phòng, chống thiên tai; bảo đảm an toàn cho người và tài sản trong quá trình nuôi trồng thủy sản; tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường;

-  Sử dụng trang thiết bị, giống thủy sản, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản theo quy định;

- Lưu giữ hồ sơ về giống thủy sản, thức ăn, thuốc thú y thủy sản và sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản dùng trong quá trình nuôi trồng thủy sản và các tài liệu khác về toàn bộ quá trình nuôi trồng thủy sản để bảo đảm truy xuất nguồn gốc;

- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nuôi trồng thủy sản, chất lượng, an toàn thực phẩm của sản phẩm nuôi trồng thủy sản do cơ sở cung cấp; chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình nuôi trồng thủy sản;

- Cập nhật thông tin, báo cáo tình hình nuôi trồng thủy sản vào cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản;

- Trả lại đất, khu vực biển nuôi trồng thủy sản khi có quyết định thu hồi theo quy định của pháp luật.

Việc tuân thủ các quyền và nghĩa vụ này không chỉ là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân mà còn là yếu tố quyết định đến sự phát triển bền vững của ngành nuôi trồng thủy sản tại Cà Mau, góp phần bảo vệ môi trường và đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân.

Hứa Nguyên