(Ảnh minh họa, nguồn vtv.vn)

Theo đó, sửa đổi đơn giá của Phụ lục II và IV ban hành kèm theo Quyết định số 40/2019/QĐ-UBND ngày 18/12/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau.

Đối với quy định “Bồi thường thiệt hại đối với cây trồng” ở khoản 3 và 5 Điều 4 của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 40/2019/QĐ-UBND được sửa đổi, bổ sung như sau:

3. Đối với cây trồng là vườn cây chuyên canh. Thực hiện bồi thường thiệt hại do tổ chức được giao làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về chuyên ngành khảo sát và xác định giá hiện có của vườn cây tại thời điểm bồi thường trừ đi giá thu hồi (nếu có), trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định. Đối với rừng tự nhiên, rừng trồng thực hiện bồi thường thiệt hại theo Quyết định số 21/2021/QĐ-UBND ngày 14 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân tỉnh Cà Mau về việc ban hành Quy định khung giá các loại rừng trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

5. Đối với cây kiểng (là loại cây được chăm sóc, tạo dáng, dùng làm vật trang trí):

a) Đối với các loại cây kiểng trồng trong chậu, tùy theo giá thuê mướn nhân công thực tế theo thời điểm của địa phương, Hội đồng bồi thường huyện, thành phố xác định mức hỗ trợ di dời, trình Ủy ban nhân dân huyện, thành phố quyết định.

b) Đối với các loại cây kiểng trồng dưới đất, tùy theo giá trị của cây mà Hội đồng bồi thường huyện, thành phố xác định mức hỗ trợ để đào gốc di dời, trình Ủy ban nhân dân huyện, thành phố quyết định.

Đối với các loại cây kiểng theo nguyên tắc chung không bồi thường, chỉ hỗ trợ di dời. Trường hợp không thể di dời (bị giải tỏa trắng, không còn đất để di dời hoặc do điều kiện khách quan mà chủ hộ không thể thu hồi được giá trị cây kiểng khi Nhà nước thu hồi đất) thì xem xét bồi thường. Mức bồi thường tùy theo đặc điểm từng loại cây kiểng và giá thuê mướn nhân công thực tế theo thời điểm của địa phương mà tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng phối hợp với Hội đồng bồi thường huyện, thành phố lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị có liên quan như Hội Sinh vật cảnh tỉnh, các công ty mua bán cây kiểng trong và ngoài tỉnh,... xác định mức bồi thường cũng như mức giá hỗ trợ di dời, đề xuất mức bồi thường, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định cho từng phương án bồi thường”.

Về quy định “Hỗ trợ thiệt hại đối với vật nuôi thủy sản bị ảnh hưởng khi Nhà nước thu hồi đất và chi phí đào ao đối với ao chưa có thuỷ sản nuôi” ở Điều 6 của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 40/2019/QĐ-UBND được sửa đổi, bổ sung như sau:

1. Cách xác định diện tích nuôi thủy sản bị ảnh hưởng: Khi thủy sản nuôi theo các loại hình nêu tại Phụ lục IV nằm phía ngoài liền kề với diện tích đất thu hồi có bị ảnh hưởng bởi dự án; căn cứ vào hồ sơ giải phóng mặt bằng hoặc đo đạc thực tế để xác định diện tích thủy sản nuôi bị ảnh hưởng; phạm vi ảnh hưởng được tính từ ranh giới phía ngoài liền kề diện tích đất thu hồi trở ra không quá 200 mét.

2. Hỗ trợ thiệt hại bằng 60% đơn giá bồi thường được quy định tại Phụ lục IV.

3. Hỗ trợ chi phí đào ao đối với ao chưa có thuỷ sản nuôi nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng. Thực hiện hỗ trợ thiệt hại bằng 40% đơn giá bồi thường được quy định tại Phụ lục IV”.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 30/12/2022./.

Kim Kha