Trung tâm Kiểm soát bệnh tật: Đẩy mạnh truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên người và động vật. Tăng cường công tác truyền thông trong trường học và cộng đồng dưới nhiều hình thức đặc biệt chú ý truyền thông về việc không chữa bệnh dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận. Chủ động giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn để hướng dẫn tiêm phòng theo hướng dẫn của Bộ y tế và xử lý ổ dịch kịp thời. 

Trung tâm Y tế huyện, thành phố: Thực hiện công tác giám sát phòng, chống bệnh Dại trên người đúng theo quy định. Báo cáo các trường hợp chó cắn bất thường cho y tế địa phương; đảm bảo cung ứng kịp thời, đầy đủ vắc xin phòng dại để tiêm cho người dân. Tăng cường công tác tuyên truyền về bệnh dại trên người và động vật, người dân khi bị chó, mèo cắn phải đến ngay các cơ sở Y tế để được tư vấn và tiêm ngừa phòng bệnh dại theo qui định của Bộ Y tế. Chỉ đạo Trạm Y tế phối hợp các điểm trường tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại vào sáng thứ 2 đầu tuần. Quản lý các điểm tiêm ngừa trên địa bàn, báo cáo theo quy định.

Các cơ sở tiêm chủng dịch vụ: Thực hiện đầy đủ công tác thống kê báo cáo định kỳ và báo cáo danh sách người được tiêm ngừa vắc xin dại về Trung tâm Y tế huyện, Tp Cà Mau. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú Y tăng cường công tác truyền thông sâu, rộng về quản lý chó, mèo có nguy cơ gây bệnh Dại và các biện pháp phòng, chống bệnh Dại để người dân biết.

Tổ chức giám sát, cảnh báo, chia sẽ thông tin, điều tra, xử lý ổ dịch bệnh Dại, đánh giá nguy cơ và triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh Dại. Rà soát quy định pháp luật hiện hành về nuôi, quản lý chó, mèo để kịp thời khắc phục triệt để tình trạng chó, mèo thả rông, không được quản lý và cắn người ở nơi công cộng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống bệnh Dại tại các địa phương có nguy cơ cao.

Các Sở Ngành và UBND các huyện, thành phố: Truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo và các loại động vật khác có nguy cơ gây bệnh, nhất là việc tiêm vắc xin và phòng, chống bệnh Dại cho chó, mèo; thực hiện đầy đủ việc tiêm và điều trị dự phòng bệnh Dại khi bị động vật, đặc biệt chó, mèo cắn. Tuyệt đối không được dùng thuốc nam. Quản lý số hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện đúng, đầy đủ các quy định. Tuyên truyền thực hiện 5 không đối với vật nuôi; Không nuôi chó mèo không tiêm phòng dại; Không nuôi chó, mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương; Không nuôi chó thả rông; Không để chó cắn người.

                                           Thanh Tòng