(Ảnh minh hoạ, nguồn wwwbaochinhphu.vn)

1. Về thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và thương mại nông sản:

- Tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, cắt giảm mạnh thủ tục hành chính không thật cần thiết trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó chú trọng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu. 

- Tập trung hơn nữa cho 3 động lực tăng trưởng, gồm tiêu dùng trong nước, xuất khẩu và đầu tư. Đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống. Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng đa giá trị, quy mô lớn, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, tuần hoàn, phát thải thấp, thân thiện với môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, có sức cạnh tranh cao. Thúc đẩy phát triển hợp tác xã và các mô hình hợp tác trong nông nghiệp; nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giữa Nhà nông, Nhà khoa học, Nhà quản lý, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng.

- Đẩy mạnh đổi mới công nghệ, chuyển đổi số trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch, coi đây là khâu đột phá nhằm nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam. 

- Đa dạng hoá sản phẩm nông sản, đẩy mạnh chế biến sâu, chế biến tinh nhằm khắc phục tình trạng “được mùa mất giá”, phụ thuộc mùa vụ và nâng cao giá trị gia tăng của hàng nông sản. Triển khai có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

- Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và thương mại điện tử; phát triển, đa dạng hóa chuỗi cung ứng vật tư đầu vào và thị trường tiêu thụ nông sản, duy trì và phát huy thị trường truyền thống, tiếp tục đàm phán mở thị trường mới, giảm thiểu phụ thuộc vào một vài thị trường; chủ động triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để bảo vệ sản xuất trong nước, thúc đẩy xuất khẩu; triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 09 tháng 02 năm 2021.

2. Về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định: 

Triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 13 tháng 02 năm 2023 với tinh thần tập trung cao độ, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong lãnh đạo, chỉ đạo; chủ động, quyết liệt trong hành động để hoàn thành việc khắc phục tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC), chuẩn bị chu đáo nội dung và điều kiện để làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 4 (từ ngày 25 tháng 5 đến 31 tháng 5 năm 2023), trong đó:

- Kiên quyết thực hiện các biện pháp mạnh để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, cụ thể: Các Bộ, ngành, địa phương liên quan chỉ đạo, xử lý nghiêm, kịp thời tổ chức, cá nhân cố tình thực hiện hành vi khai thác trái phép. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành, địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng vi phạm. Bộ Công an chỉ đạo điều tra, củng cố hồ sơ, đưa ra truy tố các tổ chức, cá nhân có hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Bộ Ngoại giao cung cấp thông tin, hồ sơ và phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương trong điều tra, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Các địa phương ven biển xác minh, xử phạt nghiêm trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để răn đe, giáo dục.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Giao thông vận tải, Công Thương,... triển khai các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn triệt để nguyên liệu thủy sản khai thác bất hợp pháp nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu bằng tàu Container theo khuyến nghị của EC; rà soát, bổ sung quy định pháp luật trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản để quản lý, báo cáo Chính phủ trong quý II năm 2023.

- Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo công tác quản lý tàu cá, đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản bảo đảm đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo lực lượng biên phòng, kiểm ngư tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý tàu cá không đủ điều kiện tham gia khai thác thủy sản theo quy định.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra, vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ qua cảng, tuân thủ quy định về xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản; điều tra, xác minh, xử lý triệt để vi phạm, trường hợp đủ căn cứ xử lý hình sự cần điều tra, truy tố theo quy định pháp luật, đặc biệt là hành vi cố tình vi phạm quy định về IUU, hợp thức hóa hồ sơ đối với các lô hàng thủy sản xuất khẩu; chủ động điều động, biệt phái, bố trí đủ nhân lực và kinh phí bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU cho cơ quan quản lý thủy sản tại địa phương, đặc biệt là tại cảng cá.

3. Về triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: Các bộ, ngành, địa phương chủ động, quyết liệt triển khai thực hiện theo chỉ đạo tại Nghị quyết của Chính phủ, Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2023, Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23 tháng 3 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó:

- Ủy ban Dân tộc và các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành Thông tư, văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong tháng 4 năm 2023; các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương rà soát để sửa đổi, bổ sung, ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định về quản lý điều hành và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại bộ, cơ quan, địa phương, khắc phục tình trạng không thống nhất, chồng chéo giữa các văn bản hướng dẫn, bảo đảm phù hợp thực tiễn và xử lý dứt điểm vướng mắc của các địa phương.

- Ủy ban Dân tộc, Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn thiện Đề án về tiêu chí xác định thôn tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù, có tỷ lệ hộ nghèo cao và phương án xử lý vướng mắc trong việc thực hiện nội dung “hỗ trợ thiết lập điểm hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin tại Ủy ban nhân dân cấp xã”; báo cáo cấp có thẩm quyền trước ngày 20 tháng 4 năm 2023.

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

- Bộ Tài chính khẩn trương có ý kiến gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hoàn thiện phương án xử lý vướng mắc về giao vốn sự nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 cho 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4 năm 2023.

- Các bộ, cơ quan, địa phương chủ động điều chỉnh danh mục dự án đầu tư, triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng dẫn của các Bộ, cơ quan trung ương, bảo đảm pháp lý, phù hợp thực tiễn của địa phương; phấn đấu giải ngân 100% số vốn được giao trong năm 2023.

Duy Linh