(Ảnh minh họa)

Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Hướng dẫn thí điểm triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng. Cụ thể, mỗi thôn, bản, tổ dân phố có thể thành lập một Tổ công nghệ số cộng đồng.

Mỗi Tổ công nghệ số cộng đồng có thể gồm: Trưởng thôn/bản, Tổ trưởng tổ dân phố và 02 nhân sự có tinh thần nhiệt tình hoạt động cộng đồng, có tư duy muốn chấp nhận và thử nghiệm cái mới, có kỹ năng sử dụng nền tảng số, công nghệ số, có khả năng tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, các doanh nghiệp công nghệ số bồi dưỡng, tập huấn Tổ công nghệ số cộng đồng về các chủ trương, chính sách, pháp luật về chuyển đổi số.

Đồng thời, chuyển giao hướng dẫn cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số (sử dụng dịch vụ công trực tuyến, gian hàng số, sàn thương mại điện tử, thanh toán điện tử, nền tảng trợ lý ảo, sổ sức khỏe điện tử, các nền tảng công nghệ phòng chống dịch và các nội dung khác theo từng thời kỳ).

 Phương thức triển khai: Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn trực tiếp, hoặc trực tuyến, bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên, nhiều lần để Tổ công nghệ số cộng đồng thành thạo các bước cài đặt, hướng dẫn sử dụng, hỗ trợ giải đáp thắc mắc về nền tảng số, công nghệ số để lan tỏa, hướng dẫn đến người dân.

Tổ công nghệ số cộng đồng được quản lý dựa trên các nền tảng số Việt Nam miễn phí và thông dụng như: Zalo, Mocha, Gapo.

Mỗi xã, phường, thị trấn tạo một nhóm chung bao gồm: lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, các Tổ công nghệ số cộng đồng, lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, Phòng Công nghệ thông tin (Sở Thông tin và Truyền thông) và các doanh nghiệp tham gia triển khai.

Sở Thông tin và Truyền thông sẽ trực tiếp tương tác, hướng dẫn hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng và các thành viên của tổ, cùng chia sẻ cách làm hay, các trường hợp điển hình./.

 

Hoàng Lộc