(Ảnh minh họa)

Để đảm bảo an toàn và sức khỏe nghề nghiệp cho nhân viên y tế trong phòng, chống dịch Covid-19, ngoài các biện pháp theo từng yếu tố nguy cơ cụ thể, các cơ sở y tế cần áp dụng và thực hiện các biện pháp dự phòng như:

- Cho phép nhân viên ở nhà trong trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 với các triệu chứng đặc hiệu như sốt, ho, khó thở…

- Bố trí thời gian làm việc và nghỉ ngơi phù hợp cho nhân viên y tế để dự phòng nguy cơ mệt mỏi:

+ Thời gian ca làm việc: Mỗi tuần nên bố trí 05 ca 08 tiếng hoặc 04 ca 10 tiếng, nếu làm 12 giờ/ngày thì phải sắp xếp nhiều ngày nghỉ xen kẽ hơn.

+ Sắp xếp thời gian làm việc ngắn hơn vào ban đêm. Nên tổ chức đổi ca luân phiên theo chiều thuận (sáng đến chiều đến đêm) và có cân nhắc đến nguyện vọng của nhân viên y tế, điều kiện địa phương và cơ sở y tế.

+ Nghỉ giải lao: Thường xuyên bố trí nghỉ giải lao ngắn giữa giờ (cứ sau 01 đến 02 giờ làm việc); cho phép thời gian nghỉ ăn trưa/tối dài hơn.

+ Thời gian nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe: Xây dựng chính sách về thời giờ làm việc và nghỉ ngơi phù hợp.

Khi làm việc tối thiểu 10 giờ liên tục mỗi ngày phải bố trí 07 - 08 giờ để ngủ và sau 14 ngày làm việc liên tục cần được nghỉ 48 giờ; làm 05 ca liên tục 08 giờ hoặc 04 ca 10 giờ phải bố trí một hoặc hai ngày nghỉ; làm 03 ca liên tục kéo dài 12 giờ phải có hai ngày nghỉ.

 - Khối lượng công việc: Đối với những ca làm việc kéo dài 12 giờ, nên bố trí các công việc “nhẹ nhàng hơn” (như công việc hành chính).

- Cung cấp các bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng.

- Rút ngắn thời gian ca làm việc, nếu có thể...

 

Hoàng Lộc