(Ảnh minh họa - nguồn từ baochinhphu.vn)

Mục tiêu chung của Đề án là kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm trong các hoạt động thủy sản; phòng ngừa và giải quyết các sự cố môi trường; bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và môi trường sống, góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học; nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động thủy sản để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngành thủy sản.

Nhiệm vụ cụ thể là rà soát, xây dựng, hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường lĩnh vực thủy sản; chủ động phòng ngừa, quản lý, kiểm soát nguồn ô nhiễm, chất thải từ các hoạt động thủy sản; quan trắc môi trường phục vụ quản lý ngành thủy sản; Kiểm kê, đánh giá nguồn vốn tự nhiên thủy sản phục vụ phát bền vững ngành thủy sản; Hướng dẫn, kiểm tra, xây dựng năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường trong ngành thủy sản; Thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động thủy sản; Bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, phục hồi hệ sinh thái quan trọng góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học. Đồng thời, Đề án cũng xác định một số nhiệm vụ ưu tiên triển khai thực hiện gồm:

- Truyền thông, nâng cao nhận thức, tư duy về bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản. Điều tra, đánh giá thực trạng và đề xuất, xây dựng các chính sách, cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cho các hoạt động thủy sản thân thiện với môi trường thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; nguồn ô nhiễm, lượng chất thải từ các hoạt động thủy sản và đề xuất giải pháp quản lý.

- Chương trình điều tra, đánh giá, kiểm kê nguồn vốn tự nhiên thủy sản (giá trị vật thể, giá trị phi vật thể...) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường trong ngành thủy sản. Quan trắc môi trường phục vụ quản lý ngành thủy sản (quan trắc đất, nước, trầm tích);

- Điều tra, đánh giá thực trạng công nghệ, áp dụng công nghệ trong xử lý chất thải trong nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản, chế biến thủy sản và đề xuất các giải pháp công nghệ xử lý chất thải trong hoạt động thủy sản.

- Đổi mới và ứng dụng công nghệ xử lý chất thải trong các hoạt động thủy sản tạo tiền đề cho việc tận dụng, sử dụng các phế phẩm, phụ phẩm thủy sản dưới hình thức hợp tác công tư.

- Nghiên cứu và từng bước đầu tư xây dựng mô hình quản lý chất thải tiên tiến trong các hoạt động thủy sản. Xây dựng, cập nhật, vận hành cơ sở dữ liệu môi trường ngành thủy sản.

Giải pháp thực hiện là nâng cao nhận thức, tư duy về bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản đối với các bên có liên quan; Phát triển khoa học, ứng dụng công nghệ trong hoạt động thủy sản, trong xử lý chất thải từ các hoạt động thủy sản; Đầu tư xây dựng hạ tầng đảm bảo việc xử lý, thu gom, lưu giữ, vận chuyển chất thải; mạng lưới quan trắc môi trường thủy sản; Nghiên cứu cơ chế, chính sách khuyến khích khai thác, sử dụng đầu tư, duy trì phát triển nguồn vốn tự nhiên thủy sản; huy động, xã hội hóa nguồn lực trong bảo vệ môi trường thủy sản; Tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong các hoạt động thủy sản; Hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.

Căn cứ vào nhiệm vụ được giao trong Đề án, các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm và lập dự toán nhu cầu kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước. Các địa phương có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường trong lĩnh vực thủy sản tại địa phương theo quy định./.

Duy Linh