Về mục tiêu tổng quát: Đề án xác định mục tiêu tổng quát là: (i) phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục các vướng mắc, bất cập; (ii) tiếp tục đổi mới toàn diện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành; huy động các nguồn lực xã hội; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; (iii) triển khai đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tạo chuyển biến mạnh trong chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Mục tiêu cụ thể như sau:

- Hoàn thiện khung pháp lý về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; phấn đấu 100% quy định pháp luật về doanh nghiệp, về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp được thông tin kịp thời, đầy đủ đến doanh nghiệp; tăng cường tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp và người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;

- Vận hành hiệu quả hệ thống mạng lưới tư vấn viên pháp luật; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp; đảm bảo 100% doanh nghiệp được hỗ trợ pháp lý khi có đề xuất; giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về mặt pháp lý cho doanh nghiệp khi có yêu cầu;

- Thí điểm và nhân rộng ít nhất 02 mô hình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hiệu quả trên toàn quốc;

- Ứng dụng chuyển đổi số trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; xây dựng hệ sinh thái về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Xây dựng và duy trì cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, giữa cơ quan quản lý nhà nước với tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả liên quan đến doanh nghiệp; triển khai các giải pháp xã hội hóa công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Đề án được xây dựng nhằm tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức đại diện doanh nghiệp; giữa Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức cung ứng dịch vụ pháp lý trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; các cơ quan nhà nước phải luôn đồng hành với doanh nghiệp, lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển; doanh nghiệp cần đề cao ý thức tuân thủ pháp luật theo nguyên tắc pháp quyền./.

Ngọc Phạm