1. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi quản lý thực hiện đầy đủ, kịp thời, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật do bộ, ngành, địa phương ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định. Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân trong việc nghiên cứu, soạn thảo, trình văn bản. Thường xuyên kiểm tra, kiểm điểm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng chậm tiến độ và không bảo đảm chất lượng văn bản; cương quyết không xem xét khen thưởng các tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng nợ ban hành văn bản.

2. Tiếp tục chú trọng, đầu tư nguồn lực thỏa đáng cho công tác soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, nhất là các dự án về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tập trung nguồn lực để tổ chức soạn thảo văn bản quy định chi tiết đảm bảo chất lượng, đúng thời hạn theo quyết định phân công của Thủ tướng Chính phủ. Kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình soạn thảo văn bản quy định chi tiết (gửi về Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp để tổng hợp), đồng thời đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đó.

3. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, trong đó đặc biệt quan tâm, chú trọng cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ về Ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025; kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh, thủ tục hành chính trên tinh thần cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật.

4. Thực hiện nghiêm túc, đúng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác kiểm tra, rà soát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật theo quy định; xem xét, xử lý trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân liên quan đến việc ban hành văn bản trái pháp luật theo quy định.

5. Bảo đảm nguồn lực về biên chế, kinh phí cho công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Chú trọng kiện toàn tổ chức pháp chế, tổ chức làm công tác xây dựng pháp luật; nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ công chức làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại, đáp ứng các yêu cầu công việc.

6. Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ. Theo đó, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi báo cáo định kỳ 06 tháng về Bộ Tư pháp trước ngày 01/06/2022 và báo cáo năm về Bộ Tư pháp trước ngày 01/12/2022 để Bộ Tư pháp kịp thời tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

 

Ngọc Phạm