Trên cơ sở rà soát cho thấy số vụ việc yêu cầu bồi thường đang giải quyết còn cao, nhiều vụ việc phức tạp kéo dài, chưa được giải quyết dứt điểm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại.

Để việc giải quyết bồi thường được kịp thời, hiệu quả bảo đảm đúng quy định pháp luật, ngày 06/10/2022, Cục Bồi thường nhà nước thuộc Bộ Tư pháp có Công văn số 3801/BTP-BTNN về việc thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước. Theo đó, đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện một số nhiệm vụ sau:  Chỉ đạo các cơ quan thuộc phạm vi quản lý của địa phương mình khẩn trương giải quyết dứt điểm các vụ việc yêu cầu bồi thường đã được thụ lý, giải quyết, không để tình trạng vụ việc tồn đọng, kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại. Trong quá trình giải quyết kịp thời báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên và cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết dứt điểm vụ việc, bảo đảm đúng quy định pháp luật.

Chỉ đạo Sở Tư pháp hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan giải quyết bồi thường và thực hiện thống kê báo cáo cho Bộ Tư pháp theo quy định.   

 Đối với các vụ việc yêu cầu bồi thường đã được Tòa án nhân dân các cấp ở địa phương thụ lý, giải quyết theo Bộ luật Tố tụng dân sự, Ủy ban nhân dân chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp chặt chẽ với cơ quan giải quyết bồi thường, Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết vụ việc tại địa phương để theo dõi, nắm bắt thông tin chính xác, đầy đủ việc giải quyết yêu cầu bồi thường đối với các vụ việc này, thúc đẩy vụ việc được sớm giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Chỉ đạo các cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ việc yêu cầu bồi thường thường xuyên cập nhật thông tin, báo cáo kết quả giải quyết vụ việc cho Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Bộ Tư pháp. Kết quả chỉ đạo xử lý giải quyết đối với từng vụ việc Ủy ban nhân dân cập nhật gửi Bộ Tư pháp trước ngày 30/10/2022 để tổng hợp./

Ngọc Phạm