(Ảnh minh hoạ, nguồn Tạp chí Xây dựng Đảng)

Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã góp phần quan trọng vào việc đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, hiệu quả của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Chính quyền.

Quan điểm phải kiên định đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ở các cấp ủy, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; giữ vững sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với nêu cao trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, nhất là người đứng đầu; đảm bảo nguyên tắc quyền lực đi đôi với trách nhiệm; mọi cán bộ, đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, nguyên tắc và kỷ luật Đảng. Chủ động, tích cực, có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn; đồng thời, thận trọng, có bước đi vững chắc.

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị của tỉnh, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, sát thực tiễn; giữ vững nguyên tắc của Đảng, đồng thời phát huy sự chủ động, sáng tạo của các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

Nâng cao năng lực tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là cụ thể hóa thành nghị quyết, chương trình, kế hoạch phù hợp với tình hình thực tiễn ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị; tạo sự chuyển biến thực sự, đạt kết quả cao trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện ở các cấp ủy, tổ chức đảng. Đề cao trách nhiệm của tập thể, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Xây dựng, đổi mới phương pháp công tác, lề lối làm việc, mối quan hệ công tác của các cấp ủy, tổ chức đảng thực sự khoa học, dân chủ, sát với thực tiễn; đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo thông suốt, thường xuyên từ tỉnh đến cơ sở.

Nâng cao chất lượng tham mưu văn bản của các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy; thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng để có chấn chỉnh, chỉ đạo kịp thời. Tập trung lãnh đạo các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị của tỉnh thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chức năng, nhiệm vụ được giao.

Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đối với cơ quan tư pháp và hoạt động tư pháp; định kỳ, thường trực cấp ủy giao ban với các cơ quan tư pháp để nghe báo cáo tình hình, kết quả hoạt động; kịp thời định hướng xử lý các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, có liên quan đến an ninh chính trị, đối ngoại của địa phương. Lãnh đạo tổ chức đảng ở cơ quan tư pháp quan tâm hơn nữa công tác giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của tổ chức, cá nhân. 

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng; chương trình, kế hoạch phát triển của tỉnh; thực hiện tốt vai trò đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, hoạt động giám sát, phản biện xã hội; góp ý xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền; nâng cao chất lượng phát triển đoàn viên, hội viên; làm cầu nối vững chắc giữa Đảng với Nhân dân.

Thực hiện tốt quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về dân chủ ở cơ sở và Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, nhất là công tác dân vận của các cơ quan nhà nước với phương châm ”Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, lấy quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân làm trung tâm trong thực hiện quy chế và pháp luật về dân chủ ở cơ sở. 

Đẩy mạnh phát triển tổ chức cơ sở đảng, nhất là khu vực ngoài nhà nước và ở xã, phường, thị trấn, ấp, khóm; sắp xếp hợp lý tổ chức đảng theo ngành dọc ở địa phương bảo đảm yêu cầu lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và xây dựng Đảng. Thực hiện nghiêm túc quy định của Trung ương về tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, vận hành thông suốt theo cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ

Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng cơ quan, tổ chức; khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo, bỏ sót hoặc không rõ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý. Khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa cấp dưới với cấp trên và ngược lại trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.... Tăng cường bảo đảm kiểm soát quyền lực trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, nhất là trong các cơ quan quản lý nhà nước, những lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm, dễ lạm dụng quyền lực. Thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng về công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị, thực hiện lộ trình tinh giản biên chế theo chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm, có trọng tâm, trọng điểm gắn với nâng cao chất lượng, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh. 

Tiếp tục cụ thể hoá, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ; tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý cán bộ. Đánh giá cán bộ phải toàn diện, chặt chẽ, thực chất, khách quan, nhiều chiều cùng với phẩm chất, bản lĩnh chính trị, ý thức, trách nhiệm, uy tín trong tập thể, trong Nhân dân; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử của Nhà nước và thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Thường xuyên kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong công tác cán bộ và vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra. Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp theo hướng liêm chính, chuyên nghiệp.

Mỗi đảng viên phải gương mẫu, nói đi đôi với làm, thực hiện nghiêm Điều lệ Đảng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, phục tùng tuyệt đối sự phân công của Đảng; giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân; học tập, rèn luyện, nâng cao năng lực, phẩm chất, lối sống; giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Đồng thời, nêu cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc vận động gia đình, người thân xây dựng lối sống gương mẫu. Kịp thời khen thưởng tập thể, cá nhân đảng viên tiêu biểu, gương mẫu. Phát hiện, chấn chỉnh hành vi thiếu gương mẫu của cán bộ, đảng viên; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên sai phạm.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; mở rộng hình thức họp trực tiếp kết hợp với trực tuyến; giảm hội họp không cần thiết. Thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu tổ chức cơ sở đảng, đảng viên theo quy định. Xây dựng và áp dụng tiêu chí, chỉ số đánh giá hiệu quả, chất lượng hoạt động của các cơ quan, tổ chức như quản trị công, cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của cán bộ, đảng viên, người dân, làm cơ sở để nâng cao chất lượng, cải tiến phong cách, lề lối làm việc, cải cách hành chính của các ngành, đon vị.

                                                           Thanh Tòng