Mục tiêu thứ nhất tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động thông tin và truyền thông cơ sở: Phát triển, hiện đại hóa hệ thống đài truyền thanh xã, có cụm loa đến các thôn, bản của xã; Hiện đại hóa thiết bị kỹ thuật, số hóa đáp ứng yêu cầu sản xuất sản phẩm truyền thông đa phương tiện của cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện.

- Địa bàn thực hiện: Đối với thiết lập mới, nâng cấp các đài truyền thanh xã: Là các xã xây dựng nông thôn mới, trừ những xã thuộc các địa bàn sau đây (được thực hiện thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025); Xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 (xã khu vực III) được ban hành theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 06 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; Xã đảo: Là các xã được Thủ tướng Chính phủ công nhận theo tiêu chí, điều kiện, thủ tục công nhận xã đảo theo quy định tại Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ; Xã thuộc huyện đảo của các huyện, thành phố: Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Hoàng Sa, Lý Sơn, Trường Sa, Phú Quý, Côn Đảo, Kiên Hải, thành phố Phú Quốc.

Mục tiêu thứ hai phát triển, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng số, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn: Phát triển, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng số, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn nhằm đáp ứng yêu cầu về hiện đại hóa công nghệ thông tin - truyền thông, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số khu vực nông thôn, đưa hoạt động của người dân lên môi trường mạng, bảo đảm an toàn, đồng bộ, kết nối liên ngành và liên vùng; Phát triển các nền tảng số để phục vụ người dân khu vực nông thôn và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

- Đối tượng thực hiện: Các địa phương tham gia thực hiện Chương trình.

Mục tiêu thứ ba tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các dịch vụ hành chính công: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng phục vụ chuyển đổi số nông thôn. Trong đó, đẩy mạnh kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu từ cơ sở dữ liệu các cấp; nâng cao chất lượng cung cấp thông tin, giải quyết các thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, thuận tiện, cá thể hóa, giảm thời gian, chi phí khi thực hiện các thủ tục hành chính.

- Đối tượng thực hiện: Các địa phương tham gia thực hiện Chương trình.

Mục Tiêu thứ 4 thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng số và an toàn thông tin cho cán bộ cấp xã: Đảm bảo tỷ lệ cán bộ, công chức của xã được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng số và an toàn thông tin đạt: Tối thiểu 80% đối với các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo; tối thiểu 100% đối với các xã còn lại.

- Đối tượng thực hiện: Thực hiện nhiệm vụ ở tất cả các xã; ưu tiên thực hiện đối với các xã thuộc địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo theo quy định của cấp có thẩm quyền; Đối tượng thụ hưởng: Cán bộ, công chức cấp xã đang làm việc tại các xã.

Mục tiêu thứ 5 phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin cho người dân nông thôn: Phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin cho người dân nông thôn đảm bảo mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được phổ biến kiến thức, kỹ năng số cơ bản tại tất cả các xã đạt trên 70%.

- Đối tượng được phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin: Tất cả người dân ở khu vực nông thôn có nhu cầu, có khả năng tiếp cận, tìm hiểu kiến thức, kỹ năng số, ưu tiên người dân trong độ tuổi lao động, trong đó chú trọng phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng số cho cán bộ của các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ hợp tác xã, cán bộ không chuyên trách thôn, bản, giáo viên các trường phổ thông trên địa bàn xã để làm lực lượng nòng cốt tiếp tục là nguồn nhân lực tổ chức phổ biến kiến thức, kỹ năng số cho thành viên của tổ chức và người dân.

Mục tiêu thứ 6 gán mã, cập nhật, thông báo và gắn biển địa chỉ số cho từng hộ gia đình và các cơ quan, tổ chức trên địa bàn nông thôn gắn với bản đồ số Việt Nam: Đến năm 2025 mỗi hộ gia đình, cơ quan, tổ chức, khu di tích được thông báo, gắn biển địa chỉ số đến từng điểm địa chỉ.

- Nội dung thực hiện: Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật địa chỉ số để thu thập, tạo lập, gán mã, cập nhật cơ sở dữ liệu địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số; triển khai các giải pháp quản lý khai thác, sử dụng địa chỉ số; đảm bảo an toàn thông tin cho nền tảng và cơ sở dữ liệu địa chỉ số; Thiết kế biển địa chỉ số; Thông báo địa chỉ số thông qua các hình thức như: văn bản, tin nhắn, thư điện tử, tại hội nghị, gặp trực tiếp chủ địa chỉ số hoặc người đang khai thác, sử dụng địa chỉ; Tổ chức sản xuất và gắn biển địa chỉ số đến từng điểm địa chỉ phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và nhu cầu của chủ địa chỉ; Thông tin, tuyên truyền về phát triển, sử dụng nền tảng địa chỉ số và các nội dung khác liên quan đến địa chỉ số; Quản lý, giám sát việc triển khai nền tảng và cơ sở dữ liệu địa chỉ số.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/8/2022

Hứa Nguyên