Theo đó, Thông tư này hướng dẫn nội dung, phương pháp, hình thức triển khai việc trang bị kiến thức kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

(Trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy cho học sinh, sinh viên - ảnh minh họa)

Nội dung kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Cụ thể, nội dung tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ gồm: Các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy và các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân và gia đình trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Tính chất nguy hiểm, tác hại, hậu quả của cháy, nổ đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Biện pháp, quy trình phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại gia đình, trường học và cộng đồng; trách nhiệm báo tin khi có sự cố cháy, nổ, tai nạn xảy ra.

Nội dung, kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được lồng ghép vào các môn học chính khóa quy định cụ thể trong chương trình giáo dục mầm non, chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hoặc trong chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học.

Kiến thức, kỹ năng bổ trợ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được các cơ sở giáo dục cung cấp cho người học để đạt được các yêu cầu quy định cụ thể tại Điều 5 Thông tư này, bảo đảm phù hợp với điều kiện của nhà trường.

Nội dung diễn tập về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ bao gồm: diễn tập sử dụng các phương tiện chữa cháy, phương tiện cứu hộ, cứu nạn (bằng thiết bị thực tế hoặc thiết bị mô hình), diễn tập các phương án di chuyển khi xảy ra các sự cố cháy, nổ.

Thời lượng tổ chức các hoạt động bổ trợ, diễn tập về phòng cháy chữa cháy: Đối với trẻ em mầm non bảo đảm tối thiểu 01 buổi/năm học. Đối với học sinh phổ thông, học viên các trung tâm giáo dục thường xuyên bảo đảm tối thiểu 02 buổi/năm học. Đối với sinh viên bảo đảm tối thiểu 03 buổi/năm học.

Phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

- Đối với giáo dục mầm non: Lồng ghép thông qua các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Sử dụng phương pháp giáo dục trực quan, minh họa thông qua hoạt động giáo dục phát triển thể chất.

- Đối với giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên: Lồng ghép trong nội dung các bài học của môn học trong chương trình giáo dục chính khóa. Thông qua các hoạt động trải nghiệm, hoạt động trải nghiệm - Hướng nghiệp, hoạt động giáo dục kỹ năng sống và trong các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt hè.

- Đối với giáo dục đại học: Lồng ghép trong môn học giáo dục quốc phòng an ninh và các hoạt động ngoại khóa. Phối hợp với các đơn vị có chức năng trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tổ chức hoạt động đào tạo, thực hành, diễn tập phù hợp với nội dung chương trình đào tạo của các nhà trường.

Yêu cầu cần đạt được đối với trẻ em mầm non và học sinh, học viên, sinh viên

- Đối với trẻ em mầm non: Nhận biết được về nguồn lửa, nguồn nhiệt và một số vật dụng có thể gây cháy, nổ. Biết cách phòng tránh nguồn lửa, nguồn nhiệt và một số sự cố có thể gây cháy, nổ. Nhận biết các tín hiệu, phương tiện báo động cháy và có hành động phù hợp khi nghe các tín hiệu báo động cháy.

- Đối với học sinh tiểu học: Nhận biết các dấu hiệu của đám cháy, nguy cơ gây tai nạn. Nhận biết các tín hiệu báo động cháy và có kỹ năng báo động khi xảy ra cháy. Biết kỹ năng thoát nạn trong đám cháy, cách chọn lối thoát, cách sử dụng thiết bị bảo vệ cơ quan hô hấp, bảo vệ cơ thể khi xảy ra cháy, nổ. Sử dụng và thực hành dập tắt đám cháy với thiết bị chữa cháy mô hình, thực hành kỹ năng thoát nạn trong môi trường khói, khí độc. Biết cách phòng tránh, sơ cấp cứu các tai nạn, sự cố thường gặp.

- Đối với học sinh trung học cơ sở: Nhận biết được nguyên nhân và các biện pháp phòng cháy, chữa cháy và phòng ngừa sự cố, tai nạn thông thường. Biết các kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy, nổ. Thực hành và sử dụng thành thạo các kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ với thiết bị mô hình.

- Đối với học sinh trung học phổ thông, học viên học chương trình giáo dục phổ thông trong các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục thường xuyên và kỹ thuật tổng hợp: Nắm vững một số biện pháp, nguyên tắc để kiểm soát an toàn khi chữa cháy; biết được một số kỹ năng thoát nạn từ các phương tiện giao thông, trong thang máy, thang cuốn khi có các sự cố cháy, nổ. Biết một số kỹ năng cơ bản để tìm kiếm nạn nhân, cứu người bị nạn, sơ cấp cứu người bị nạn khi xảy ra cháy, nổ và các sự cố, tai nạn. Sử dụng thành thạo bình chữa cháy xách tay và các thiết bị chữa cháy thông thường với các nguồn cháy khác nhau (với thiết bị mô hình hoặc thực tế).

- Đối với sinh viên: Nắm vững một số biện pháp, nguyên tắc để kiểm soát an toàn khi chữa cháy; thành thạo một số kỹ năng thoát nạn từ các phương tiện giao thông, trong thang máy, thang cuốn khi có các sự cố cháy, nổ. Thành thạo một số kỹ năng cơ bản để tìm kiếm nạn nhân, cứu người bị nạn, sơ cấp cứu người bị nạn khi xảy ra cháy, nổ và các sự cố, tai nạn. Sử dụng được các phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cơ bản và các thiết bị có tại gia đình, nhà trường và các khu vực công cộng. Được cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật hiện hành (nếu có nhu cầu) sau khi được cơ quan Công an có thẩm quyền kiểm tra, đánh giá đạt yêu cầu.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/6/2022./.

 

Bài: Hoàng Lộc

Ảnh nguồn từ http://www.moit.gov.vn