(Ảnh minh họa, nguồn https://tapchitoaan.vn)

Theo đó, Tư cách của công đoàn khi tham gia tố tụng dân sự giải quyết vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án được hướng dẫn như sau:

* Đương sự

Công đoàn có thể tham gia tố tụng dân sự giải quyết các vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án với tư cách đương sự trong vụ án lao động (nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) và đương sự trong việc lao động (người yêu cầu giải quyết việc lao động và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan). Khi tham gia với tư cách là đương sự trong vụ án lao động, việc lao động, Công đoàn có quyền, nghĩa vụ được quy định tại các Điều 70, 71, 72, 73 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS).

1. Đương sự trong vụ án lao động

- Nguyên đơn: Công đoàn tham gia tố tụng dân sự giải quyết  tranh chấp về lao động (TCLĐ) tại Tòa án với tư cách là nguyên đơn trong những vụ án lao động mà Công đoàn có quyền khởi kiện theo quy định của pháp luật.

- Bị đơn: Công đoàn tham gia tố tụng dân sự giải quyết TCLĐ tại Tòa án với tư cách bị đơn trong vụ án mà người sử dụng lao động (NSDLĐ) khởi kiện Công đoàn (ví dụ: NSDLĐ kiện CĐCS tổ chức, lãnh đạo cuộc đình công đòi bồi thường thiệt hại do cuộc đình công bất hợp pháp).

- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Công đoàn tham gia tố tụng dân sự giải quyết TCLĐ tại Tòa án với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khi Công đoàn không khởi kiện, không bị kiện nhưng việc giải quyết vụ án lao động có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của Công đoàn nên Công đoàn tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa Công đoàn tham gia với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

2. Đương sự trong việc lao động

- Người yêu cầu: Công đoàn tham gia tố tụng dân sự giải quyết việc lao động tại Tòa án với tư cách là người yêu cầu khi Công đoàn có đơn đề nghị Tòa án tuyên bố hợp đồng lao động (HĐLĐ) vô hiệu, thoả ước lao động tập thể (TƯLĐTT) vô hiệu; yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công đoàn tham gia tố tụng dân sự giải quyết việc lao động tại Tòa án với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi Công đoàn không yêu cầu giải quyết việc lao động nhưng việc giải quyết việc lao động có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của Công đoàn nên Công đoàn được tự mình đề nghị hoặc đương sự trong việc dân sự đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa Công đoàn vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

* Người đại diện của đương sự

1. Người đại diện theo pháp luật

Công đoàn cơ sở (CĐCS) là đại diện theo pháp luật cho tập thể lao động khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự giải quyết các vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án.

2. Người đại diện theo ủy quyền

- Đại diện Công đoàn tham gia tố tụng dân sự giải quyết các vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án với tư cách đại diện theo ủy quyền của đương sự khi được người lao động (NLĐ), công đoàn cấp dưới là đương sự trong vụ án lao động, việc lao động ủy quyền.

- Khi tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện theo ủy quyền của đương sự, tùy tư cách của NLĐ, Công đoàn trong các vụ án lao động, việc lao động mà cán bộ công đoàn (CBCĐ) có các quyền và nghĩa vụ tương ứng của đương sự (nguyên đơn hoặc bị đơn hoặc người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan).

Lưu ý: quy định về Thủ tục ủy quyền và việc ủy quyền của NLĐ cho Công đoàn cần được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng (phòng công chứng và văn phòng công chứng). Giấy ủy quyền phải quy định rõ các nội dung ủy quyền, kể cả việc ủy quyền ký đơn khởi kiện, đơn khởi kiện bổ sung, ủy quyền tham gia quá trình giải quyết vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án các cấp, bao gồm cả kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm.

3. Người đại diện do Tòa án chỉ định

- Công đoàn tham gia tố tụng dân sự giải quyết các vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án trong trường hợp NLĐ là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi mà không có người đại diện và Tòa án cũng không chỉ định được người đại diện thì Tòa án chỉ định Công đoàn là tổ chức đại diện cho NLĐ theo quy định tại khoản 2 Điều 88 BLTTDS.

- Thủ tục: Công đoàn được Tòa án chỉ định làm Giấy giới thiệu đại diện của Công đoàn tham gia tố tụng dân sự giải quyết TCLĐ tại Tòa án (tham khảo Mẫu số 04 Phụ lục kèm theo Hướng dẫn này).

* Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

1. Điều kiện

Đại diện Công đoàn tham gia tố tụng dân sự giải quyết các vụ án lao động, việc lao động với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là NLĐ, công đoàn cấp dưới trong vụ án lao động, việc lao động khi được NLĐ, công đoàn cấp dưới yêu cầu và được Tòa án làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.

2. Quyền và nghĩa vụ

Khi tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ, công đoàn cấp dưới tại Tòa án, đại diện Công đoàn có quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 76 BLTTDS.

3. Thủ tục

- NLĐ, công đoàn cấp dưới làm giấy đề nghị Công đoàn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, công đoàn cấp dưới.

- Công đoàn được NLĐ, công đoàn cấp dưới đề nghị cử đại diện làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, công đoàn cấp dưới trong vụ án lao động, việc lao động theo quy định của pháp luật lao động, công đoàn.

- Đại diện Công đoàn xuất trình văn bản của Công đoàn giới thiệu người tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho NLĐ, công đoàn cấp dưới.

- Công đoàn đề nghị Tòa án làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự theo quy định tại khoản 4 Điều 75 BLTTDS. Tòa án phải vào số đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và xác nhận vào giấy yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của người đại diện Công đoàn. Trường hợp từ chối đăng ký thì Tòa án phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do./.

Kim Kha