Ngày 02/11/2021 UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Kế hoạch 152/KH-UBND triển khai thực hiện Quyết định số 1214/QĐ-BTTTT ngày 13/8/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về ban hành Kế hoạch thông tin, tuyên truyền phổ biến kiến thức phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi giai đoạn 2021 – 2030 trên hệ thống thông tin cơ sở.

 

Theo đó, nội dung thông tin, tuyên truyền trọng tâm như:  Về danh mục các bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi trên thủy sản nuôi được ưu tiên phòng bệnh, khống chế và kiểm soát được ban hành kèm theo Quyết định số 434/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản để chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh, hợp tác trong xử lý ổ dịch; Các quy định về điều kiện cơ sở nuôi, xử lý nước thải, chất thải theo quy định, mùa vụ thả giống, chất lượng con giống được kiểm dịch theo quy định, áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi, quản lý chăm sóc ao nuôi (VietGAP, GlobalGAP,...); Các biện pháp hỗ trợ nâng cao sức đề kháng cho thủy sản nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh; Việc sử dụng vắc xin để phòng bệnh cho động vật thủy sản nhằm giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh, ngăn ngừa kháng thuốc trong nuôi trồng thủy sản; Quy trình xét nghiệm, nghiên cứu đặc điểm dịch tễ, các biện pháp ứng phó, xử lý nhằm ngăn chặn tác nhân gây bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi xâm nhập trên thủy sản nuôi; Các điển hình trong việc kiểm soát, ngăn chặn, phát hiện kịp thời, xử lý các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp động vật thủy sản và sản phẩm động vật thủy sản qua biên giới và từ nước ngoài vào Việt Nam; Về một số vùng, cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh trong nước; Về kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế về công tác phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản;Tuyên truyền nâng cao năng lực nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin cơ sở về tuyên truyền phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản.

Bên cạnh đó Danh mục các bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi trên thủy sản nuôi được ưu tiên phòng bệnh, khống chế và kiểm soát ban hành kèm theo Quyết định số 434/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ là:

1. Trên tôm nuôi nước lợ (tôm thẻ, tôm sú):

a) Các bệnh nguy hiểm đang lưu hành: Bệnh đốm trắng (WSD), hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND), hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (IHHND), vi bào tử trùng (EHP).

b) Các bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi trên tôm có nguy cơ xâm nhiễm vào trong nước: Hội chứng Taura (TS), đầu vàng (YHD), bệnh do DIV1 (DIV1), hoại tử gan tụy (NHP), teo gan tụy (HPD), hoại tử cơ (IMN).

2. Trên cá tra nuôi: Bệnh gan thận mủ (ESC), bệnh xuất huyết.

3. Trên tôm hùm: Bệnh sữa (MHD-SL).

4. Trên ngao/nghêu, tu hài, hàu: Bệnh do Perkinsus (tác nhân P. marinus, P. olseni).

5. Trên cá song/mú, vược/chẽm, giò/bp: Bệnh hoại tử thần kinh (VNN).

6. Trên cá chép, trắm, trôi, mè: Bệnh xuất huyết mùa xuân ở cá chép (SVC), bệnh do Koi Herpes virus (KHV), bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn Streptococcus.

7. Trên cá hồi: Bệnh hoại tử cơ quan tạo máu (IHNV).

8. Trên cá rô phi, cá điêu hồng: Bệnh do TilV (TiLV) và bệnh nhiễm khuẩn do vi khun Streptococcus.

9. Trên tôm càng xanh: Bệnh trắng đuôi (WTD).

10. Một số tác nhân gây bệnh nguy hiểm khác, bệnh mới nổi theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và theo cảnh báo của OIE/ NACA.

Các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản cần phải tuân thủ các quy định và hướng dẫn về phòng, chống một số bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi trên thủy sản nuôi, tuân thủ mùa vụ thả nuôi theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời, chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát thủy sản trong suốt quá trình thả nuôi và phải báo cáo ngay cho cơ quan thú y khi phát hiện thủy sản có dấu hiệu bất thường, nghi ngờ dịch bệnh. Thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định và chấp hành hướng dẫn của cơ quan thú y./.

Nguyên Hứa