(Đại biểu tham dự buổi giám sát việc quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm tại huyện Phú Tân)

Qua giám sát, trên địa bàn huyện có 09/09 xã, thị trấn có thành lập Ban chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm và Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm; 09/09 xã, thị trấn có cán bộ phụ trách về an toàn thực phẩm. Toàn huyện có 546 cơ sở sản xuất, kinh doanh liên quan đến thực phẩm, trong đó, có 35 cơ sở sản xuất, 151 cơ sở kinh doanh, 166 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 194 cơ sở thức ăn đường phố. Trong năm qua, Trung tâm Y tế huyện tổ chức 03 lớp tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố; 100% cơ sở sản xuất, chế biến đã được Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đã kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức 458 lượt thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất, đặc biệt là trong tháng hành động an toàn thực phẩm, các dịp lễ, tết tại các cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ ăn uống. Qua kiểm tra, phát hiện 26 cơ sở không đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo quy định, chiếm tỷ lệ 5,7%. Trong đó, nhắc nhỡ 24 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 02 cơ sở với số tiền trên 4,7 triệu đồng. Kiểm tra test nhanh 335 mẫu và tất cả đều đạt tiêu chuẩn theo quy định, không có ca ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.

Về thị trường thương mại trên địa bàn huyện phát triển còn ở quy mô nhỏ, phần lớn tập trung ở các chợ trung tâm xã, thị trấn như chợ thị trấn Cái Đôi Vàm, chợ xã Phú Tân, chợ Vàm Đình - xã Phú Thuận, chợ Cái Bát - xã Tân Hưng Tây, chợ xã Rạch Chèo... chủ yếu phục vụ cho nhu cầu trao đổi hàng hóa của nhân dân ở địa phương. Công an huyện Phú Tân tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc lá, xăng, dầu, điện thoại, máy tính bảng, các loại thuốc chữa bệnh, các loại thực phẩm chức năng, mỹ phẩm; qua đó, phát hiện 09 vụ vi phạm, 10 đối tượng vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính 07 triệu đồng. Đội Quản lý thị trường số 03 kiểm tra tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn huyện với 53 cơ sở, phát hiện 20 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính trên 163 triệu đồng.

Năm 2021, địa bàn huyện có 05 sản phẩm tham gia xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng an toàn thực phẩm như OCOP, VietGAP,... trên cơ sở đăng ký của các đơn vị, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với các ngành liên quan hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình, phân công cán bộ phụ trách hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ phát triển sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm chủ lực tại địa phương; hoàn thiện bộ hồ sơ đăng ký tham gia Chương trình OCOP, hỗ trợ bao bì và tem truy xuất nguồn gốc,...

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phan Mộng Thành ghi nhận những kết quả huyện đã đạt được trong công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, lưu ý địa phương thời gian tới tiếp tục quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cấp ủy, chính quyền, nhân dân về thực hiện công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Sau giám sát, đoàn sẽ có báo cáo kiến nghị đến các ngành liên quan để có hướng giải quyết, tháo gỡ những tồn tại, hạn chế.

Mai Thành