Theo đó, Truyền thông là quá trình trao đổi, tương tác chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm, tư tưởng, tình cảm giữa hai hoặc nhiều người nhằm tăng sự hiểu biết, thay đổi nhận thức, tiến tới điều chỉnh hành vi và thái độ phù hợp với nhu cầu phát triển của cá nhân, của nhóm hay của cộng đồng xã hội.

Chính sách được hiểu là định hướng, giải pháp của Nhà nước để giải quyết vấn đề của thực tiễn nhằm đạt được mục tiêu nhất định theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật . Theo đó, một chính sách gồm 3 yếu tố cấu thành chính:

- Vấn đề thực tiễn cần giải quyết: Một vấn đề bất cập trong thực tiễn đòi hỏi phải được giải quyết bằng chính sách khi vấn đề đó có nội dung và phạm vi tác động nhất định về thời gian, không gian đến các đối tượng chịu ảnh hưởng trong xã hội.

- Mục tiêu của chính sách: Là mong muốn đạt được để giải quyết vấn đề bất cập trong thực hiện sau khi xác định chính xác hậu quả của vấn đề bất cập gây ra.

- Các giải pháp thực hiện chính sách để giải quyết vấn đề theo mục tiêu đã xác định (Phương án giữ nguyên hiện trạng; Phương án sử dụng biện pháp can thiệp gián tiếp; Phương án can thiệp trực tiếp bằng pháp luật).

Vai trò, ý nghĩa của hoạt động truyền thông dự thảo chính sách

Hoạt động truyền thông dự thảo chính sách là một phần trong hoạt động truyền thông Nhà nước nói chung và truyền thông Chính phủ nói riêng, hoạt động này có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện như sau:

Truyền thông dự thảo chính sách là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tính khả thi của VBQPPL, tạo đồng thuận xã hội đối với những chính sách, quy định pháp luật cần phải được ban hành hoặc điều chỉnh theo yêu cầu của thực tiễn cuộc sống cũng như nâng cao ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp.

Truyền thông dự thảo chính sách là phương thức cơ bản để người dân được "hưởng dụng quyền dân chủ của mình” tham gia xây dựng pháp luật, quản lý nhà nước. Bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013.

Truyền thông dự thảo chính sách giúp củng cố, xây dựng niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước; phát huy dân chủ, đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo điều kiện để người dân thực hiện quyền giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Tóm lại, truyền ihông dự thảo chính sách nhằm bảo đảm, phát huy quyền làm chủ của người dân trong xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật để nội dung chính sách, pháp luật thực sự thể hiện ý chí của nhân dân xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, mang hơi thở cuộc sống, trở thành công cụ hữu hiệu để “Đảng lãnh đạo, Nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý”, hướng tới một Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

(Theo Tài liệu hướng dẫn kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tư pháp ban hành)

Ngọc Phạm